Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Trẻ bị hạ thân nhiệt xử lý làm sao cho an toàn?

(VOH) – Trẻ em là một trong những đối tượng rất dễ bị hạ thân nhiệt. Vậy trẻ bị hạ thân nhiệt cần phải xử lý như thế nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé?

Giống như sốt cao, trẻ bị hạ thân nhiệt là trường hợp khá phổ biến, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bác sĩ khuyến cáo, hạ thân nhiệt tuy ít gặp nhưng lại “khó chịu” và nguy hiểm hơn rất nhiều so với sốt.

1. Cách nhận biết trẻ bị hạ thân nhiệt

Giống như tên gọi, dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi bé bị hạ thân nhiệt chính là nhiệt độ cơ thể bé giảm đột ngột dưới mức bình thường, một số trẻ có dấu hiệu rét run. Trẻ bị hạ thân nhiệt cũng xuất hiện một số triệu chứng sau đây:

  • Bàn tay, bàn chân bé lạnh ngắt. Có dấu hiệu tím tái ở đầu ngón tay, chân, kèm theo cứng cơ. Trường hợp nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 28 độ C có thể dẫn đến hôn mê, đồng tử giãn và mất phản xạ với ánh sáng.
  • Trẻ bị hạ huyết áp gây ra cảm giác choáng váng, chóng mặt. Trong một vài trường hợp, hạ thân nhiệt ở trẻ em có thể gây rối loạn nhịp tim, chậm nhịp tim.

tre-bi-ha-than-nhiet-xu-ly-lam-sao-cho-an-toan-voh

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi bé bị hạ thân nhiệt chính là nhiệt độ cơ thể trẻ giảm đột ngột (Nguồn: Internet)

2. Dấu hiệu nhận biết hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Da có màu xanh ở chân và tay, da mát, nhợt nhạt.
  • Hạ đường huyết. Đôi khi có tình trạng tăng đường huyết thoáng qua.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Bé bị khó thở, hô hấp nông và không đều.
  • Thiếu oxy máu, toan chuyển hóa.
  • Giảm hoạt động, thờ ơ, hạ huyết áp.
  • Khóc yếu ớt, bú kém.
  • Giảm cân.

Các bác sĩ cho biết, đo thân nhiệt hoặc tiến hành xét nghiệm để xác định nguyên nhân như xét nghiệm đường máu, CRP máu, cấy máu... là những cách chính xác nhất để biết trẻ có bị hạ thân nhiệt hay không.

Hạ thân nhiệt thường được xác định khi nhiệt độ đo được ở hậu môn dưới 35 độ C. Cụ thể:

  • Từ 34 – 35 độ C: Trẻ bị hạ thân nhiệt mức độ nhẹ.
  • Từ 32 – 34 độ C: Trẻ bị hạ thân nhiệt mức độ trung bình.
  • Từ 25 – 32 độ C: Trẻ bị hạ thân nhiệt mức độ nặng.
  • Dưới 25 độ C: Dấu hiệu báo động tình trạng nguy kịch.

3. Trẻ bị hạ thân nhiệt cần được xử lý thế nào?

Ngay khi phát hiện trẻ bị hạ thân nhiệt, mẹ nên tiến hành sơ cấp cứu ngay cho bé bằng cách:

  • Làm ấm cơ thể, giúp cơ thể trẻ trở lại nhiệt độ bình thường.
  • Mặc quần áo, đội mũ và đắp chăn ấm cho trẻ, đồng thời di chuyển trẻ đến nơi ấm áp hoặc tăng nhiệt độ phòng (từ 25 – 28 độ C). Tránh tăng nhiệt đột ngột.
  • Mẹ nên tiếp tục cho trẻ ăn để cung cấp năng lượng.
  • Nếu cơ thể trẻ bị ướt, mẹ nên nhanh chóng thay quần áo khác cho bé và ủ ấm con bằng chăn mền.

3.1 Đối với trẻ sơ sinh

tre-bi-ha-than-nhiet-xu-ly-lam-sao-cho-an-toan-1-voh

Cho trẻ tiếp xúc da qua da với mẹ khi bé vừa sinh ra đời (Nguồn: Internet)

  • Cho trẻ tiếp xúc da qua da bằng cách đặt trẻ nằm trên ngực mẹ mặc áo đã được cởi cúc phía trước, quấn tã, đội mũ và đi tất cho trẻ.
  • Phủ áo mẹ và đắp thêm mền cho trẻ.
  • Phải đảm bảo nhiệt độ trong phòng làm ấm cho trẻ thấp nhất là 25 độ C.
  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt để cung cấp năng lượng.  

4. Một số lưu ý cần nhớ khi sơ cấp cứu trẻ bị hạ thân nhiệt

Trước khi sơ cấp cứu, mẹ cũng nên làm thông đường thở, hỗ trợ đường hô hấp của trẻ. Sau khi ủ ấm cho bé, nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện gần nhất để có biện pháp điều trị phù hợp.

Tuyệt đối không chườm nóng hoặc dùng nước nóng, đệm sưởi để ủ ấm, nhất là phần chân tay, vì sẽ dễ thúc đẩy lượng máu trở về tim phổi đột ngột, dẫn đến hạ thân nhiệt trung tâm.

Đặc biệt, khi thấy trẻ bị hạ thân nhiệt nếu kèm theo các biểu hiện như tím môi, tím tái chân tay, da nổi bông... Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ cần được cấp cứu ngay lập tức.

5. Phòng chống hiện tượng hạ thân nhiệt cho trẻ bằng cách nào?

Đảm bảo trẻ luôn được giữ ấm trong thời tiết lạnh là cách phòng chống tình trạng hạ thân nhiệt hiệu quả nhất. Khi đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào mùa đông, các mẹ nên cho bé đội mũ, mặc áo khoác và quàng khăn.

Tuy nhiên, thay vì cho trẻ mặc một chiếc áo dày, các chuyên gia khuyến khích mẹ nên cho bé mặc nhiều lớp áo mỏng, để khi nhiệt độ có thay đổi đột ngột mẹ cũng sẽ dễ dàng tháo bớt ra hoặc mặc thêm vào cho bé. Tránh được trường hợp trẻ bị nóng đổ mồ hôi, từ đó dẫn đến cảm lạnh.

Với trẻ sơ sinh, việc giữ ấm cần phải được làm ngay sau khi trẻ chào đời. Mẹ nên cho bé bú sớm, vừa tận dụng được lượng sữa non quý giá, vừa giúp bé ổn định thân nhiệt nhanh chóng. Khi tắm cho bé, mẹ không nên tắm quá lâu, không tắm trễ, không tắm bằng nước lạnh và lau người bé thật khô sau khi tắm xong.

Tóm lại, hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một tình trạng không thể xem nhẹ, nếu như sốt có rất nhiều loại thuốc thông dụng có thể giúp cơ thể lấy lại nhiệt độ bình thường thì hạ thân nhiệt lại không có một loại thuốc nào có thể “kéo” nhiệt độ lên. Do đó, khi thấy trẻ bị hạ thân nhiệt, tốt nhất là nên tìm cách ủ ấm và sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý phù hợp.