5 nguyên nhân khiến mắt mờ khi mang thai và cách cải thiện

(VOH) – Phụ nữ mang thai thường sẽ phải trải qua nhiều thay đổi, trong đó có tình trạng mắt mờ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mắt mờ khi mang thai và làm cách nào để cải thiện?

Mắt mờ khi mang thai là một trong những vấn đề thị lực thường gặp ở mẹ bầu. Những thay đổi về hormone, chuyển hóa, tích nước và tuần hoàn máu có thể ảnh hưởng tới mắt và thị lực, khiến bà bầu bị mờ mắt tạm thời.

1. Những nguyên nhân khiến mắt mờ khi mang thai

Một số yếu tố được cho là nguyên nhân gây ra hiện tượng mờ mắt khi mang thai đó là:

  • Giảm tiết nước mắt: Hormone thai kỳ gây ảnh hưởng đến khả năng điều tiết nước mắt của mẹ bầu, khiến cho mắt bị khô và thậm chí có thể gây mờ mắt.
  • Áp lực lên mắt: Hormone thai kỳ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tích tụ chất lỏng trong mắt. Chất lỏng được tích tụ có thể làm dày và làm nhãn cầu thay đổi độ cong, từ đó ảnh hưởng đến thị lực.
  • Hệ miễn dịch giảm: Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ điều chỉnh các biện pháp bảo vệ miễn dịch để bảo vệ phôi thai. Những thay đổi tạm thời này rất tốt cho bé, nhưng có thể khiến mẹ dễ bị nhiễm trùng, chẳng hạn như đau mắt đỏ hoặc mắt bị mờ.
  • Mí mắt có màu: Một loại sắc tố tích tụ quanh mắt khi mang thai có thể dẫn đến nám mí mắt và điều đó có thể làm cản trở tầm nhìn của mẹ bầu ở thời điểm hiện tại.
  • Tầm nhìn ngoại vi kém: Bà bầu có thể bị giảm thị lực ngoại biên khi mang thai.

5-nguyen-nhan-khien-mat-mo-khi-mang-thai-va-cach-cai-thien-voh

Hệ miễn dịch suy giảm có thể khiến mắt bị mờ khi mang thai (Nguồn: Internet)

2. Dấu hiệu mắt mờ khi mang thai

Mẹ bầu có thể đang gặp phải tình trạng mờ mắt khi mang thai nếu có các dấu hiệu sau đây:

  • Ngứa rát mắt.
  • Khó chịu ở mắt.
  • Khô mắt.
  • Bị song thị (tầm nhìn đôi).
  • Thay đổi thị lực.
  • Cảnh vật dường như có lớp hạt bao phủ.

Lưu ý: Mắt bị mờ cũng có thể được xem là một triệu chứng tiền sản giật khi mang thai. Đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ bầu lẫn thai nhi.

3. Bị mờ mắt khi mang thai có thể điều trị bằng cách nào?

Mắt mờ khi mang thai là một tình trạng xảy ra khá phổ biến ở mẹ bầu, vì thế bác sĩ rất có thể sẽ không chỉ định bất kỳ phương pháp điều trị nào cho đến khi thai phụ sinh con.

Thông thường tình trạng này sẽ hết sau khi sinh, nhưng nếu đã sinh em bé được khoảng 2 tháng nhưng tình trạng mắt bị mờ không cải thiện thì mẹ bầu sẽ được chỉ định phẫu thuật để điều chỉnh lại thị lực.

4. Cách cải thiện tình trạng mắt mờ khi mang thai

Để cải thiện tình trạng bị mờ mắt khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không dụi mắt.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Sử dụng kính râm khi ra ngoài.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc nhỏ mắt an toàn cho phụ nữ mang thai.

5-nguyen-nhan-khien-mat-mo-khi-mang-thai-va-cach-cai-thien-1-voh

Không dụi mắt khi mắt bị mờ (Nguồn: Internet)

Bên cạnh những lưu ý trên, mẹ bầu cũng cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để giúp nâng cao sức khỏe đôi mắt. Những thực phẩm gợi ý cho mẹ bầu là:

  • Cá: Cá giàu omega-3 nên tốt cho sức khỏe đôi mắt cũng như toàn bộ cơ thể. Mẹ bầu có thể ăn một số loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá basa để cải thiện tình trạng mắt bị mờ hoặc các vấn đề khác ở mắt.
  • Các loại hạt: Có rất nhiều loại hạt tốt cho bà bầu, bởi chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho mắt cũng như như ngăn ngừa các tổn thương.
  • Trái cây họ cam, chanh: Trái cây họ bưởi, cam, quýt, chanh rất giàu vitamin C. Giống như vitamin E, vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa có khả năng chống lại những tổn thương ở mắt.
  • Rau có màu xanh: Các loại rau lá xanh rất giàu lutein, zeaxanthin và cũng là một nguồn cung vitamin C thân thiện với mắt. Mẹ bầu có thể ăn nhiều rau xanh, chẳng hạn như cải bó xôi, cải xoăn, bông cải…
  • Cà rốt: Cà rốt chứa nhiều vitamin A và beta caroten, đây là những chất đóng vai trò thiết yếu cho thị lực. Do đó, bà bầu gặp phải tình trạng mắt bị mờ có thể bổ sung cà rốt vào chế độ ăn uống nhằm tăng cường sức khỏe đôi mắt 
  • Thịt bò: Thịt bò chứa nhiều kẽm sẽ giúp bảo vệ đôi mắt của mẹ bầu. Ngoài ra, kẽm cũng giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng hay những tình trạng thị lực liên quan đến tuổi tác.