Chờ...

Cổ tử cung ngắn – tiềm ẩn nguy cơ sảy thai, sinh non ở phụ nữ

(VOH) – Để ngăn ngừa nguy cơ sảy thai và sinh non, các mẹ bầu cần phải thường xuyên siêu âm đo chiều dài cổ tử cung, vì cổ tử cung ngắn có liên quan rất lớn đến tình trạng này.

1. Cổ tử cung là gì, có vai trò gì trong thai nghén?

Cổ tử cung là cửa vào của tử cung, đồng thời là trung gian nối buồng trứng và âm đạo, có vai trò quan trọng trong suốt 40 tuần thai và quá trình sinh nở. Trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung sẽ dài và dày lên theo sự thay đổi về trọng lượng của thai nhi.

Cơ chế của cổ tử cung rất “nghiêm ngặt”. Bình thường, bào thai nằm trong buồng tử cung và cổ tử cung sẽ khép chặt cũng như được khóa kín bởi nút nhầy nhằm bảo vệ cho buồng tử cung được kín và vô trùng, đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

2. Vai trò của cổ tử cung khi đối với thai kỳ

Cổ tử cung được cho là một trong những cơ quan sinh sản quan trọng nhất của người phụ nữ. Vai trò của cổ tử cung khi mang thai là:

  • Giúp lưu trữ trứng đã được thụ tinh. Đây cũng là nơi trứng thụ tinh được cấy ghép.
  • Là cửa ngõ nuôi dưỡng thai nhi và cùng “đồng hành” cùng thai nhi trong quá trình phát triển.
  • Trong giai đoạn chuyển dạ sẽ xuất hiện cơn gò tử cung kích thích làm cho cổ tử cung ngắn lại (hiện tượng xóa) và mở to ra (hiện tượng mở ) từ 1cm đến 10cm để em bé có thể chui ra khỏi buồng tử cung và chào đời.

3. Chiều dài cổ tử cung bao nhiêu là ngắn?

Cổ tử cung của một thiếu nữ phát triển bình thường chỉ khoảng 30mm, với hình dáng tròn đều, săn chắc. Nhưng khi phụ nữ mang thai thì cổ tử cung cũng sẽ bắt đầu thay đổi.

co-tu-cung-ngan-tiem-an-nguy-co-say-thai-sinh-non-o-phu-nu-VOH

Cổ tử cung ở phụ nữ mang thai sẽ thay đổi theo trọng lượng thai nhi (Nguồn: Internet)

Tùy vào sự thay đổi về trọng lượng của thai nhi mà cổ tử cung sẽ dài ra để giữ chắc thai nhi trong lòng tử cung. Vào những tuần thai cuối, cổ tử cung ngắn dần để thuận lợi cho việc sinh nở và sau khi sinh xong, cổ tử cung sẽ dần trở lại bình thường.

Cách tốt nhất để chẩn đoán cổ tử cung ngắn là siêu âm qua đầu dò âm đạo. Bác sĩ không thể chẩn đoán được cổ tử ngắn hay không ngắn không qua khám bụng hay khám phụ khoa thủ công. Vì thế siêu âm là phương pháp chẩn đoán cổ tử cung ngắn đáng tin cậy nhất.

Nếu chiều dài cổ tử cung khi mang thai đo được nằm trong khoảng từ 30mm – 50mm thì được xem là bình thường, nếu kết quả đo được dưới 25mm được gọi là cổ tử cung ngắn.

4. Nguyên nhân cổ tử cung ngắn?

Cổ tử cung ngắn thường do một số nguyên nhân gây ra như:

  • Do bẩm sinh: Bộ phận sinh sản kém phát triển, tử cung nhi hóa, tử cung có dị dạng...
  • Do phẫu thuật khoét chóp hoặc phẫu thuật cắt cổ tử cung.

4.1 Các trường hợp cần lưu ý kiểm tra chiều dài kênh cổ tử cung

Bác sĩ thường sẽ đo chiều dài cổ tử cung để tầm soát cổ tử cung ngắn trong lần siêu âm tầm soát dị tật thai nhi ở tam cá nguyệt thứ 2. Tuy nhiên, một số trường hợp thai phụ cần khảo sát sớm hơn nếu:

  • Đã từng sinh non trước đây hoặc gia đình có người thân (bà, mẹ, chị/em gái) đã từng sinh non.
  • Mang thai nhiều lần.
  • Tiền sử khoét chóp cổ tử cung hoặc có ngắn cổ tử cung.
  • Lớn tuổi.
  • Thiếu chăm sóc trước sinh, dinh dưỡng kém.
  • Sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá.

5. Cổ tử cung ngắn gây ra ảnh hưởng gì?

Về cơ bản, cổ tử cung ngắn không ảnh hưởng tới vấn đề sinh lý hay cơ hội thụ thai, tuy nhiên đây lại là nguyên nhân cơ bản dẫn tới hiện tượng sảy thai, chuyển dạ sớm và sinh non.

Cổ tử cung ngắn là yếu tố nguy cơ sinh non ở cả thai kỳ nguy cơ thấp hay nguy cơ cao (người mẹ có nhiều bất thường như tăng huyết áp, đái tháo đường, tiểu đạm...). Vì thế, nguy cơ sinh non tự phát sẽ gia tăng nếu cổ tử cung càng ngắn.

Cổ tử cung ngắn – tiềm ẩn nguy cơ sảy thai, sinh non ở phụ nữ 2

Thai phụ có cổ tử cung ngắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ sinh non, sảy thai... (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, một nghiên cứu đã khẳng định rằng: “Phụ nữ có chiều dài cổ tử cung nhỏ hơn 25mm ở khoảng tuần thai thứ 24 sẽ có nguy cơ sinh non trước 35 tuần gấp 6 lần so với phụ nữ có chiều dài cổ tử cung hơn 40mm. Chỉ có 2% phụ nữ trong thai kỳ có chiều dài cổ tử cung nhỏ hơn 15mm, nhưng lại có đến 60% trong số họ sẽ sinh non trước 28 tuần và 90% sinh non trước 32 tuần tuổi”.

6. Thai phụ bị cổ tử cung ngắn cần làm gì?

Khi được chẩn đoán cổ tử cung ngắn, thai phụ cần hết sức thận trọng trong sinh hoạt hằng ngày để giúp bảo vệ bé yêu trong suốt thai kỳ. Cụ thể:

  • Không làm việc nặng, tránh gắng sức.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Hạn chế đi lại và vận động nhiều, tránh những động tác hay thay đổi tư thế đột ngột.

Thăm khám định kỳ trong suốt quá trình mang thai là điều đặc biệt quan trọng mà các chị em cần tuân thủ. Việc thăm khám không chỉ giúp phát hiện những dị tật bất thường của thai nhi mà còn giúp phát hiện những bất thường phụ khoa ở thai phụ để từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.

7. Các phương pháp giúp điều trị cổ tử cung ngắn

Do cổ tử cung ngắn có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm ở mẹ bầu, vì thế khi thai phụ được chẩn đoán bị cổ tử cung ngắn, bác sĩ thường sẽ điều trị bằng các biện pháp sau:

  • Dùng thuốc có chứa Progesterone: Có tác dụng hạn chế các cơn co tử cung xuất hiện, giảm áp lực cho cổ tử cung. Thuốc progesterone có nhiều dạng: dạng tiêm, dạng uống hoặc viên đặt âm đạo, hậu môn.... Bác sĩ sẽ là người kê đơn và hướng dẫn thai phụ sử dụng hàng ngày tại nhà.
  • Khâu vòng eo tử cung: Thủ thuật dùng để thu hẹp lại cổ tử cung ở những thai phụ có cổ tử cung ngắn. Tuy nhiên, phương pháp này không phải phù hợp với tất cả mọi người. Vì thế, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi các mẹ muốn thực hiện phương pháp này.

Như vậy, cổ tử cung ngắn không gây ảnh hưởng đến chị em nhưng lại tác động tiêu cực đến bé yêu trong bụng. Do đó, chị em cần đặc biệt lưu ý khi phát hiện cổ tử cung của mình có kích thước ngắn trong giai đoạn thai kỳ nhé!