Chờ...

Tăng huyết áp thai kỳ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

(VOH) – Tăng huyết áp thai kỳ là nguyên nhân chính gây ra chứng tiền sản giật cũng như nhiều vấn đề sức khỏe. Việc nhận biết sớm các triệu chứng sẽ giúp mẹ bầu phòng ngừa và điều trị tốt hơn.

Đối với người bình thường, tăng huyết áp được xem là một vấn đề khá nguy hiểm vì có thể để lại nhiều biến chứng cho sức khỏe. Và với phụ nữ mang thai, tình trạng tăng huyết áp sẽ càng mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn, không chỉ ở mẹ bầu mà còn đối với thai nhi trong bụng.

Vậy tăng huyết áp thai kỳ là gì? Nguyên nhân do đâu cũng như biện pháp điều trị và phòng ngừa như thế nào là hợp lý nhất sẽ được bác sĩ Nguyễn Hoài Thu (Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc) chia sẻ trong chương trình Sức khỏe và Cuộc sống.

Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Huyết áp cao là tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm tống máu đi quá cao. Một người bình thường được đánh giá là có huyết áp cao khi chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, tức là 140/90 mmHg.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 6 – 8% phụ nữ mang thai có tình trạng tăng huyết áp. Tình trạng tăng huyết áp thai kỳ được chia ra làm 2 nhóm cơ bản, đó là: Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai nhưng đã từng bị bệnh tăng huyết áp trước đó và phụ nữ khi mang thai mới gặp tình trạng cao huyết áp. Cả 2 nhóm này đều là nguyên nhân dẫn đến biến chứng tiền sản giật và sản giật trong thai kỳ.

Chứng cao huyết áp thai kỳ thường được phát hiện trong khoảng từ tuần thai thứ 20 (khoảng 5 tháng) khi thai phụ có những triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, thay đổi cân nặng nhanh... và khi khám thai định kỳ huyết áp đo được trên 140/90mmHg.

Những dấu hiệu triệu chứng tăng huyết áp khi mang thai

tang-huyet-ap-thai-ky-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Tăng cân mất kiểm soát là một trong những triệu chứng tăng huyết áp thai kỳ (Nguồn: Internet)

Thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ có thể không có những triệu chứng lâm sàng hoặc cũng có thể gặp phải một số triệu chứng sau đây:

  • Cân nặng tăng lên một cách đột ngột, nhanh chóng.
  • Có tình trạng sưng phù ở mặt, chân, tay,... 
  • Giảm thị lực (nhìn kém, mờ, đôi khi nhìn thấy ảnh đôi,...)
  • Buồn nôn và nôn nhiều lần. Buồn nôn có thể là triệu chứng ốm nghén nhưng nếu buồn nôn và nôn liên tục, kèm theo đau bụng vùng thượng vị, nhức đầu chóng mặt,... thì có thể là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ.

Nguyên nhân tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ thường được phát hiện vào khoảng tuần thai thứ 20, tuy nhiên, nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Mặc dù vậy, các bác sĩ tin rằng có nhiều yếu tố có thể tác động và dẫn đến chứng tăng huyết áp khi mang thai, chẳng hạn như:

  • Những người phụ nữ béo phì, ít vận động, có thói quen sinh hoạt không đều độ.
  • Phụ nữ nghiện thuốc lá, rượu, bia hoặc bị hút thuốc lá thụ động.

tang-huyet-ap-thai-ky-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1-voh

Hút thuốc lá khi mang thai là một trong những yếu tố làm tăng huyết áp thai kỳ (Nguồn: Internet)

  • Phụ nữ mang đa thai, song thai.
  • Mẹ bị tiểu đường thai kỳ.
  • Phụ nữ dưới 20 tuổi và trên 40 tuổi thường bị tăng huyết áp thai kỳ nhiều hơn những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Tăng huyết áp trong thai kỳ có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp thai kỳ chính là một trong những biểu hiện của chứng tiền sản giật và sản giật thai kỳ. Đây là 2 bệnh lý cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.

Tiền sản giật là tình trạng trước khi thai phụ bị giật, hôn mê, tai biến sẽ có tình trạng tăng huyết áp và protein niệu (tức là tiểu ra đạm, nước tiểu sậm màu và đặc).

  • Tiền sản giật làm tăng nguy cơ thai nhi bị chết lưu hoặc em bé sinh ra bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhẹ cân.
  • Người mẹ có thể sinh non, tăng tỷ lệ mổ lấy thai.
  • Trong lúc chuyển dạ nếu thai phụ bị tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng khác như: tai biến mạch máu não, bại liệt,...
  • Trẻ sinh ra từ người mẹ bị tăng huyết áp thai kỳ có nguy cơ mắc các bệnh lý về thận mãn tính, bệnh lý về gan, mạch máu.

Tương tự, sản giật cũng là một biến chứng của tình trạng tăng huyết áp thai kỳ khi không được kiểm soát và điều trị sớm. Thai phụ bị sản giật có thể sẽ gặp tình trạng hôn mê, suy tim cấp, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ nếu bị giật trong lúc sinh.

Điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ bằng cách nào?

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu cho biết, thai phụ thường được phát hiện và chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ trong những lần khám thai định kỳ. Việc điều trị không cần dựa vào nguyên nhân, tuy nhiên, quá trình điều trị cần tuân thủ theo các chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Nguyên nhân là do một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể đi qua nhau thai và gây ra những biến chứng cho thai nhi như: dị tật thai nhi, suy thai, thai chết lưu,...

tang-huyet-ap-thai-ky-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-2-voh

Khám thai định kỳ có thể giúp thai phụ nhận biết tình trạng tăng huyết áp khi mang thai (Nguồn: Internet)

Thông thường loại thuốc điều trị tăng huyết áp nhưng chống chỉ định với phụ nữ mang thai là: thuốc ức chế men chuyển hóa. Ngoài ra, một số loại thuốc như: thuốc ức chế thụ thể beta, ức chế canxi, ức chế lợi tiểu,... thì tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng phù hợp cho việc điều trị.

Cách phòng ngừa tăng huyết khi mang thai

Để phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ, bên cạnh việc thăm khám thai đều đặn theo lịch, đo huyết áp thường xuyên thì phai phụ cần xây dựng một thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học để hạn chế những yếu tố nguy cơ, đó là:

  • Đảm bảo dinh dưỡng đủ chất nhưng vừa phải (không nhiều tinh bột, đường, chất béo và phải giảm muối).
  • Tạo thói quen đi bộ, hít thở nhẹ nhàng thoải mái.
  • Giữ tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan.

Khuyến cáo từ bác sĩ: Tăng huyết áp thai kỳ có thể xuất hiện trong giai đoạn mang thai và sẽ kéo dài về sau. Do đó, phụ nữ cần phải theo dõi huyết áp cẩn thận trong và sau khi sinh để đảm bảo huyết áp luôn được giữ ở mức ổn định. Trong trường hợp huyết áp thường xuyên tăng cao thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và theo dõi kỹ càng.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ từ audio bên dưới:

Tiền sản giật: Biến chứng nguy hiểm nhất ở phụ nữ mang thai : Tiền sản giật là một biến chứng đặc biệt nghiệm trọng xuất hiện trong thai kỳ, có khả năng làm tăng nguy cơ rủi ro thai chết lưu hoặc sinh non, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe của người mẹ.
Tiểu đường thai kỳ có thật sự nguy hiểm không? : Mang thai từ tuần thứ 24 trở đi, bạn có thể bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ do rối loạn nội tiết tố hoặc cơ thể bạn không thể tổng hợp được insulin.