Chờ...

Đa ối thai kỳ là gì? Làm sao nhận biết và phòng ngừa

(VOH) – Đa ối thường xảy ra ở giai đoạn giữa và cuối thai kỳ, đây là một tình trạng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó, mẹ bầu cần biết cách nhận diện và theo dõi khi có tình trạng đa ối.

Theo TS,BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM), nước ối đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của thai nhi. Do đó những trường hợp nước ối nhiều (đa ối) có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ lẫn bé yêu.

Vai trò của nước ối trong thai kỳ

Nước ối là một chất dịch loãng bao quanh thanh nhi. Thành phần tạo ra nước ối bao gồm chất do màng ối tiết ra, nước tiểu của thai nhi và sự thấm nhuận từ các mạch máu, dây rốn, màng nhau,.... Nước ối là yếu tố quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Cụ thể:

  • Nước ối chứa nhiều chất dinh dưỡng để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi.
  • Nước ối giúp bảo vệ thai nhi tránh những sang chấn từ bên ngoài.
  • Giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh và sự bình chỉnh của ngôi thai (tức là khi thai khoảng 33 -34 tuần sẽ tự xoay đầu xuống thành ngôi thai thuận).
  • Trong quá trình chuyển dạ, lượng nước đầu ối căng xuống sẽ giúp nông cổ tử cung mở rộng nhanh hơn.
  • Đảm bảo độ trơn để em bé di chuyển ra ngoài dễ dàng.

Để thai nhi phát triển tốt thì lượng nước ối trung bình sẽ từ 800 đến 1200ml (khoảng 1 lít nước ối). Tuy nhiên, một số trường hợp thai phụ có thể gặp phải những bất thường về nước ối, chẳng hạn như: nước ối ít dưới 80ml được gọi là thiếu ối; nước ối nhiều từ 1200ml đến 2000ml được gọi là dư ối; đặc biệt, nếu lượng nước ối từ 2000ml trở lên được gọi là đa ối.

Nguyên nhân đa ối khi mang thai

Theo TS,BS Nguyễn Thị Thanh Hà, khi lượng nước ối có sự thay đổi thì các cơ quan có thể có những bất thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Nguyên nhân gây ra đa ối có thể xuất phát từ phía người mẹ hoặc thai nhi.

da-oi-thai-ky-la-gi-lam-sao-nhan-biet-va-phong-ngua-voh

Nguyên nhân gây đa ối có thể xuất phát từ người mẹ hoặc thai nhi (Nguồn: Internet)

Phía thai phụ: 

  • Mẹ bị tiểu đường.
  • Mẹ bị viêm màng ối.

Phía thai nhi:

  • Mang đa thai, thai to.
  • Các trường bị dị tật bẩm sinh, đặc biệt ở đường tiêu hóa.

Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đa ối khi mang thai (nguyên nhân vô căn).

Biểu hiện, triệu chứng của đa ối

Đa ối nhẹ thường không có triệu chứng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, thai phụ có thể gặp phải những biểu hiện như:

  • Bụng lớn nhanh do lượng nước ối tăng nhanh.
  • Có cảm giác mệt mỏi, khó thở, bụng căng tức do cơ hoành chèn ép lên phổi.
  • Vùng bụng rất bóng lán.

Khi siêu âm sẽ thấy chiều cao tử cung lớn hơn rất nhiều so với tuổi thai. Ngoài ra, khi thăm khám, bác sĩ sẽ phát hiện được những dấu hiệu như: bụng bập bềnh (do thai nổi trên nước nhiều), gõ trên bụng có dấu sóng vỗ và thấy bụng căng tức.

Đa ối thường xuất hiện khi nào?

Đa ối được chia làm 2 dạng đó là: đa ối cấp và đa ối mạn.

Đa ối cấp

Xảy ra vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ và thường kèm theo những triệu chứng bất thường, ví dụ: thai khoảng 22-24 tuần bụng bỗng to rất nhanh, nước ối tạo ra rất nhiều, bụng căng, thai phụ rất khó chịu, khó thở...

Với trường hợp bị đa ối cấp, thai phụ cần phải được rút nước ối ra nhanh chóng để không bị nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, rút nước ối khi thai nhi dưới 30 tuần tuổi thì phần lớn thai đều không thể sống được hoặc mẹ phải chủ động chấm dứt thai kỳ do thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật.

Đa ối mãn

Đa ối mãn cũng là tình trạng nước ối tạo ra nhiều nhưng thường xảy ra vào tháng cuối thai kỳ. Do đó, mức độ nguy hiểm sẽ không cao như những trường hợp đa ối cấp. 

Khi thai phụ bị đa ối mãn vẫn sẽ xuất hiện các triệu chứng bụng căng tức, khó thở, mệt người,... nhưng các triệu chứng này xuất hiện một cách chậm rãi, từ từ nên thai phụ có thể chịu đựng được.

Khi thai phụ bị đa ối mãn, bác sĩ cũng sẽ chỉ định rút nước ối, nhưng do ở tháng cuối thai kỳ nên khả năng em bé sinh ra vẫn đảm bảo được tính mạng cũng như sự phát triển sau này.

Thai đa ối có nguy hiểm không?

Hiện tượng đa ối khi mang thai có thể gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thai cũng như sự bình chỉnh ngôi thai và đặc biệt là quá trình sinh nở của thai phụ có thể sẽ xảy ra nhiều bất trắc. Chẳng hạn như:

da-oi-thai-ky-la-gi-lam-sao-nhan-biet-va-phong-ngua-1-voh

Đa ối nếu không được phát hiện sớm và theo dõi kỹ có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe của mẹ và bé (Nguồn: Internet)

  • Đa ối khiến tử cung căng quá mức dẫn đến cuộc chuyển dạ có thể kéo dài, gây đau đớn và mệt mỏi cho thai phụ.
  • Nước ối nhiều khiến thai nhi khó quay đầu xuống để trở thành ngôi thai thuận mà em bé có thể xoay thành những ngôi bất thường như ngôi thai ngang, ngôi mông,... những ngôi thai này rất nguy hiểm vì gây sinh khó, thậm chí là vỡ tử cung khi sinh.
  • Đa ối làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai.
  • Sau khi sinh có thể gây nhiều biến chứng như: đờ tử cung, băng huyết sau sinh, đặc biệt là tình trạng thuyên tắc ối. Đây đều là những tai biến sản khoa có thể gây tử vong ở người mẹ.

Xử trí tình trạng đa ối bằng cách nào?

Thông thường khi chuẩn bị sinh bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật bấm ối, tuy nhiên, với trường hợp đa ối thì thủ thuật bấm ối cần có kỹ thuật riêng và đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao và có kinh nghiệm tốt để bấm ối nhằm hạn chế tối đa những tai biến có thể xảy.

Riêng vấn đề điều trị đa ối thì cần dựa vào nguyên nhân. Những trường hợp đa ối vô căn sẽ rất khó để can thiệp kịp thời, do đó, việc điều trị sàng lọc đa ối chủ yếu là giải quyết vấn đề tiên lượng cũng như theo dõi chặt chẽ thai kỳ để có thể phòng ngừa những tai biến như:

  • Thai phụ bị mệt mỏi dẫn đến suy thoái do cuộc sinh kéo dài.
  • Thuyên tắc ối.
  • Vỡ tử cung khi sinh – một tai biến có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh, đó là sa dây rốn.
  • Băng huyết sau sinh, đờ tử cung
  • Ngoài ra, đa ối khi mang thai có thể dẫn đến đến tình trạng dây rốn thai nhi bất thường như: xoắn vặn, thắt nút, dây rốn quấn vào tay, vào cổ... đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai lưu.

Phòng ngừa tình trạng đa ối khi mang thai

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, mặc dù một nửa trường hợp đa ối được xác định là vô căn nhưng những thai phụ đang có các vấn đề sau đây cần đặc biệt lưu ý để phòng ngừa tình trạng đa ối khi mang thai:

  • Phụ nữ bị viêm nội mạc tử cung rất dễ dẫn viêm màng ối khi mang thai. Do đó, khi bị viêm nhiễm phụ khoa chị em nên điều trị.
  • Bà bầu bị tiểu đường phải phải được điều trị ổn định sớm.
  • Với những trường hợp phát hiện đa ối khi mang thai thì nên theo dõi thai kỳ kỹ càng bằng cách khám thai định kỳ. 

Nhìn chung đa ối là tình trạng tương đối nguy hiểm mà thai phụ cần tìm hiểu thêm nhiều kiến thức để hiểu rõ hơn về bệnh lý để hợp tác tốt nhất với  bác sĩ sản khoa nhằm giúp có được một cuộc chuyển dạ an toàn.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ từ audio bên dưới:

Thế nào là dư ối trong thai kỳ? Cách khắc phục hiệu quả dành cho mẹ : Giống như thiếu nước ối, dư ối trong thai kỳ đều không tốt cho mẹ bầu. Vậy dư nước nước ối thai kỳ là như thế nào? Cách khắc phục ra sao để an toàn cho mẹ và bé là những vấn đề mẹ bầu cần quan ...

Dấu hiệu khi vỡ ối và những điều mẹ bầu cần nên làm : Vỡ ối là hiện tượng thường xảy ra ở bà bầu trong những tháng cuối thai kỳ và nó cũng là một trong những dấu hiệu thông báo về việc em bé sắp sinh ra đời.