Tiêu điểm: Nhân Humanity

3 nguyên nhân chính gây sa dây rốn và cách điều trị

(VOH) – Sa dây rốn là một tai biến sản khoa nguy hiểm ở giai đoạn cuối thai kỳ. Nếu không được cấp cưu kịp thời có thể gây nguy hiểm cho thai nhi trong bụng.

1. Sa dây rốn là gì?

Sa dây rốn là tình trạng dây rốn sa xuống qua cổ tử cung vào trong ống sinh trước em bé, điều này khiến cho dây rốn bị chèn ép giữa thành xương chậu. Theo thống kê thì cứ 300 trẻ chào đời sẽ có 1 ca mắc sa dây rốn.

Tình trạng sa dây rốn thường xuất hiện ở quá trình chuyển dạ nhưng đôi khi nó cũng có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ khi bé bắt đầu di chuyển nhiều hơn.

Các bác sĩ sản khoa cho biết, trong thời gian mang thai và chuyển dạ nhiều bé bị sa dây rốn nhưng ở mức độ nhẹ và ít gây hại nhiều. Tuy nhiên cũng có những những trường hợp sa dây rốn trở nên nghiêm trọng và kéo dài gây nguy hiểm cho thai nhi.

Dây rốn có chức năng cung cấp dưỡng chất và oxy cho bé. Nếu dây rốn bị nén chặt lại sẽ khiến tĩnh mạch trên dây rôn cũng bị nén, dẫn đến khi CO2 bị tích tự trong máu, gây ra chứng toan hô hấp hoặc nhiều biến chứng khác.

3-nguyen-nhan-chinh-gay-sa-day-ron-va-cach-dieu-tri-voh

Sa dây rốn có thể xảy ra trong thời gian mang thai hoặc chuyển dạ (Nguồn: Internet)

2. Những nguyên nhân sa dây rốn

Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân gây ra tình trạng sa dây rốn có thể đến từ 3 yếu tố cơ bản, đó là:

  • Về phía mẹ: Những người sinh nở nhiều lần khiến cho ngôi thai bình chỉnh không tốt gây ra các ngôi bất thường. Ngoài ra, phụ nữ có khung chậu hẹp, méo hay có khối u tiền đạo cũng rất dễ dẫn đến sa dây rốn.
  • Về phía thai nhi: Thai nhi gặp phải tình trạng ngôi thai bất thường như ngôi thai ngược, ngôi ngang... hoặc do ngôi thai không tỳ được vào cổ tử cung.
  • Về phía phần phụ của thai: Dây rốn dài bất thường, đa ối, nhau bám thấp, vỡ ối đột ngột... đều có thể khiến dây rốn bị sa theo.

3. Dấu hiệu nhận biết sa dây rốn

Tình trạng dây rốn bị chèn ép có thể được chẩn đoán trước khi chuyển dạ thông qua siêu âm.

Ngoài ra, trong quá trình chuyển dạ thai phụ cũng có thể nhận biết được một số dấu hiệu sa dây rốn như: 

  • Mẹ bầu cảm thấy có dây rốn ở trong âm đạo.
  • Nhìn thấy được dây nhau thai sa ra ngoài qua âm hộ.
  • Ngôi thai cao
  • Nước ối ra rất nhiều.
  • Cổ tử cung chưa mở hết, vỡ ối và ngôi đầu.

4. Tình trạng sa dây rốn có thể gây ra những nguy hiểm gì?

Sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng 38 tuần). Hiện tượng này nếu nặng có thể gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Nếu mổ cấp cứu lấy thai chậm, thai nhi sẽ bị suy hô hấp, hôn mê và tử vong. Trong trường bé được cứu sống cũng sẽ dễ mắc phải những tổn thương não do thiếu oxy.

3-nguyen-nhan-chinh-gay-sa-day-ron-va-cach-dieu-tri-1-voh

Thai phụ bị sa dây rốn cần phải được theo dõi và cấp cứu nhanh chóng khi có những bất thường (Nguồn: Internet)

Tùy vào từng trường hợp sa dây rốn mà thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ, thậm chí trong thời gian từ vài phút đến gần 30 phút. Vì thế, ngay khi phát hiện thai phụ bị sa dây rốn cần phải được theo dõi kỹ càng và cấp cứu một cách nhanh chóng, kịp thời khi có những tai biến xảy ra.

5. Các phương pháp điều trị sa dây rốn

Một trong những phương pháp điều trị thường được sử dụng nhất chính là truyền ối. Truyền ối là quá trình đưa dung dịch sinh lý đường tĩnh mạch vào tử cung trong thời gian chuyển dạ nhằm làm giảm áp lực khiến dây rốn bị nén.

Nếu dây rốn chỉ bị nén ít thì phương pháp điều trị là làm tăng lượng oxy cung cấp cho người mẹ để làm tăng lượng máu truyền qua rốn. Nếu bị nặng, thai phụ sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem em bé có rơi vào tình trạng nguy hiểm hay không để được can thiệp sớm.

Trường hợp thai nhi có dấu hiệu suy thai hoặc nhịp tim bé bỗng giảm đột ngột thì các bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

6. Có thể ngăn ngừa tình trạng sa dây rốn được không?

Nhìn chung, chẳng có phương pháp cụ thể nào có thể giúp ngăn ngừa tình trạng sa dây rốn. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu nằm trong nhóm những người có nguy cơ mắc sa dây rốn thì nên thăm khám và theo dõi thai định kỳ, nhất là sau tuần thứ 38 nên thường xuyên đến bệnh viện hoặc lưu trú tại bệnh viện để được xử lý kịp thời khi có chuyển dạ.

Nếu thai phụ được chẩn đoán bị sa dây rốn cần phải quan tâm, chăm sóc cơ thể cận thận. Nếu nhận thấy sự bất thường, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức và thông báo khẩn cấp cho cán bộ y tế về tình trạng mắc sa dây rốn. Không cố gắng đẩy dây rốn trở lại, tránh ăn uống trước khi sinh vì xác suất phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con rất cao.

Trong khi chờ xe cấp cứu đến, để giảm rủi ro cho việc dây rốn bị chèn ép quá nhiều, thai phụ nên duy trì ở tư thế úp mặt xuống sàn nhà với đầu gối quỳ gập, khuỷu tay và bàn tay úp sát sàn nhà, không được rặn...

Trên đây là những chia sẻ về tình trạng sa dây rốn ở mẹ bầu. Hi vọng những thông tin vừa cung cấp sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về tình trạng này để có biện pháp chăm sóc sức khỏe thai kỳ tốt nhất.

Bình luận