Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ngôi thai ngược là gì, có nguy hiểm không?

(VOH) – Ngôi thai ngược được hiểu là vị trí đầu của bé hướng lên phía trên ngực, mông bé hướng về đáy khung chậu của mẹ. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho cả 2 mẹ con trong quá trình sinh nở.

1. Ngôi thai ngược là gì?

Thông thường, khoảng tuần 34 của thai kỳ, thai nhi sẽ bắt đầu xoay đầu xuống dưới để chuẩn bị chào đời. Tuy nhiên có khoảng 3% số thai nhi vẫn giữ nguyên vị trí của mình, không quay đầu dù đã đủ tuần tuổi chào đời. Các trường hợp như vậy gọi là ngôi thai ngược (thai nhi nằm ngược).

Ngôi thai ngược hay còn gọi là ngôi mông, là phần mông hoặc chân của bé quay xuống phía dưới, vùng xương chậu của mẹ. Còn đầu của bé sẽ nằm phía trên gần ngực của mẹ. Thai nhi nằm ngôi thai ngược trong quá trình sinh dễ mắc phải một số vấn đề như: bị trật khớp háng bẩm sinh hoặc thiếu oxy lên não... và nhiều nguy hiểm khác của cả mẹ và con.

2. Phân loại ngôi thai ngược

Ngôi thai ngược được chia thành 2 dạng:

Ngôi thai ngược hoàn toàn: Đầu gối của bé co lại, đùi gập vào người giống như tư thế ngồi xổm. Phần mông của bé sẽ đi ra ngoài cơ thể đầu tiên trong lúc sinh. Đây là tư thế phổ biến nhất của ngôi thai ngược.

ngoi-thai-nguoc-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh

Ngôi thai ngược gây khó khăn trong quá trình sinh nở (Nguồn: Internet)

Ngôi thai ngược không hoàn toàn: Ở dạng ngôi thai này, lại được chia thành 3 kiểu nhỏ:

  • Kiểu mông: Mông của bé thường hướng xuống dưới khung chậu của mẹ, hai chân duỗi thẳng, chân vắt ngược lên đầu.
  • Kiêu chân: Hai chân duỗi thẳng.
  • Kiểu đầu gối: Thai quỳ gối trong tử cung.

3. Nguyên nhân khiến ngôi thai ngược

Có rất nhiều yếu tố khiến ngôi thai bị ngược. Tuy nhiên, hai yếu tố chính hình thành ngôi thai ngược là khi sinh non (thai chưa kịp điều chỉnh thành ngôi thai thuận) và do sự cản trở việc xoay ngôi thai của thai nhi. Các nguyên nhân cụ thể bao gồm:

3.1 Nguyên nhân từ mẹ

  • Tử cung của mẹ bầu nhỏ, khiến thai nhi khó xoay đầu về vị trí bình thường.
  • Mẹ có hình dáng tử cung bất thường như: tử cung bị dị dạng, tử cung đôi, tử cung 2 sừng, nhân xơ tử cung, tử cung bị chèn ép bởi các khối u nang buồng trứng.
  • Mẹ bầu có khung chậu bị hẹp.

3.2 Nguyên nhân từ thai nhi

  • Thai nhi bị não úng thủy, cực đầu to.
  • Đa thai, thai dị dạng.
  • Thai bị suy dinh dưỡng.
  • Do phần phụ của thai có vấn đề như nhau tiền đạo, đa ối, thiếu ối, dây nhau ngắn hoặc do dây nhau quấn cổ.

4. Ngôi thai ngược có nguy hiểm không?

Ngôi thai ngược không phải là trường hợp hiếm gặp nhưng là tình trạng bất thường của thai nhi và có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

4.1 Đối với mẹ

  • Thời gian chuyển dạ có thể kéo dài nhiều giờ hơn. Nhiều mẹ đã chọn phương pháp sinh mổ vì cơn đau quá dồn dập, không thể kiên trì đến cuối.
  • Mẹ dễ bị rách phần mềm (tầng sinh môn, cổ tử cung) khi đầu em bé lọt ra.

ngoi-thai-nguoc-la-gi-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Ngôi thai ngược có thể gây ra một số nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi (Nguồn: Internet)

4.2 Đối với thai nhi

  • Ngôi thai ngược khiến đầu bé bị kẹt bên trong lâu, dẫn đến bé bị ngạt thở do thiếu oxy. Nếu nắm thai kéo không đúng cách, có thể gây tổn thương các tạng trong bụng.
  • Thai nhi có thể gặp phải biến chứng sa dây rốn hay chèn ép dây rốn dẫn đến tử vong.
  • Trẻ trong lúc sinh có thể gặp phải các sang chấn như: xuất huyết não – màng não, liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đùi, rách cơ ức đòn chũm...
  • Những em bé sinh non, đầu bé có thể bị tổn thương.

5. Ngôi thai ngược có đẻ thường được không?

Theo các bác sĩ, ngôi thai ngược có thể sinh thường được nhưng phải đảm bảo được các yêu cầu như: thai nhỏ, sinh con rạ và tầng sinh môn giãn nở nhiều.

Thai phụ cũng có thể sinh theo phương pháp âm đạo có can thiệp từng phần nhỏ để giảm sang chấn cho thai nhi.

Tuy nhiên, trong các trường hợp ngôi thai ngược thì sinh mổ được coi là phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả hai mẹ con.

6. Những cách giúp mẹ xoay ngôi thai ngược

Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ 3, mẹ sẽ được thông báo chính xác ngôi thai thuận hay ngược thông qua việc siêu âm. Nếu được chẩn đoán mẹ mang thai ngôi ngược, mẹ có thể áp dụng một cách sau đây để xoay ngôi thai về vị trí thuận lợi (ngôi thai thuận).

6.1 Can thiệp tự nhiên

  • Giơ chân lên cao: Mẹ giơ chân lên cao khi nằm khiến cơ thể dốc xuống, lúc này thai nhi sẽ di chuyển đầu về hướng cao hơn, nên sẽ tự chuyển ngôi thai. Thực hiện tư thế này từ tuần thứ 30 và tập 3 lần mỗi ngày.
  • Gập người: Mẹ bầu trong tư thế chống tay và chân lên sàn bằng phẳng, sau đó hạ tay xuống thấp, chân vẫn chống để nâng mông lên cao. Động tác này cũng có tác dụng tương tự như động tác trên. Mẹ nên thực hiện từ tuần thai 37 trở về sau để giúp đổi ngôi thuận.
  • Nằm nghiêng: Nằm nghiêng khi ngủ có thể giúp bé dễ xoay đầu hơn, đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy nuôi thai.
  • Bơi lội: Bơi lội có thể giúp em bé xoay đầu đúng hướng. Mẹ có thể bơi lội trong suốt thai kỳ hoặc bắt đầu từ tuần thứ 30.
  • Ngoài ra, một số phương pháp tự nhiên giúp xoay đầu ngôi thai ngược như: chườm nóng – lạnh, cho bé nghe nhạc...

6.2 Can thiệp y khoa

Trong y khoa, cũng đã có những thủ thuật giúp ngôi thai xoay đúng vị trí để thuận lợi hơn khi chào đời. Các kỹ thuật thường được áp dụng là:

  • Thủ thuật ECV
  • Kỹ thuật Webster

Trên đây là những thông tin về ngôi thai ngược cũng như các cách giúp mẹ có thể xoay đầu ngôi thai trở về vị trí tốt nhất để em bé “chui” ra dễ dàng, mẹ không cần sinh mổ.

Bình luận