Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bệnh não úng thủy là gì và có thể chữa được không?

( VOH ) - Bệnh não úng thủy là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất ở trẻ sơ sinh. Căn bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn nên mẹ cần phải phòng ngừa sớm khi đang còn ở giai đoạn mang thai.

Não úng thủy là một căn bệnh còn rất xa lại với nhiều người, đây không phải là bệnh lý riêng biệt mà đúng hơn là hậu quả của một nhóm các bệnh lý khác nhau, có chung đặc trưng là làm suy giảm lưu thông hoặc hấp thu dịch não tủy.

1. Bệnh não úng thủy là gì?

Não úng thủy là tình trạng dư thừa quá mức dịch não tủy (CSF), khiến não và sọ sưng lên. Dịch não tủy là chất lỏng trong suốt bao quanh não và tủy sống, có vai trò cung cấp dưỡng chất cho não.

Dịch não tủy được hình thành chủ yếu trong hệ thống não thất, thường nằm trong hai não thất bên, não thất 3 và não thất 4. Từ 2 não thất bên ở hai bán cầu đại não, dịch não tủy theo lỗ Monro đổ vào não thất 3 nằm ở gian não. Từ não thất 3, dịch não tủy theo cống Sylvius đổ vào não thất 4 nằm ở hành- cầu não.

Từ đây, dịch não tủy theo các lỗ Magendie và Luschka đi vào khoang dưới nhện rồi bao bọc xung quanh não bộ và tủy sống. Sau đó, dịch não tủy được các mao mạch hấp thu trở lại để đi vào tuần hoàn chung.

Tuy nhiên, khi các đường lưu thông này bị tắc, dịch não tủy sẽ ứ đọng lại trong các não thất gây nên bệnh não úng thủy (hydrocephalus).

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh não úng thủy ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân khiến bé bị não úng thủy sẽ phụ thuộc vào loại bệnh não úng thủy mà bé mắc phải. Cụ thể:

2.1 Não úng thủy bẩm sinh

  • Giãn não thất: Đây là tình trạng não thất lớn hơn bình thường do khuyết tật bẩm sinh. Khi não thất bị giãn sẽ khiến cho dòng chảy của dịch não tủy trở nên bất thường, từ đó gây ra não úng thủy.
  • Hẹp cống não: Các ống nối các phần của não thất bị hẹp, ngăn cản dòng chảy của dịch não tủy.
  • Nang màng nhện: Các túi nang chứa dịch não tủy phát triển bất thường trong lớp màng nhện (một lớp màng bao phủ não). Nang màng nhện có liên kết với não thất và gây ảnh hưởng đến áp lực của dịch não tủy.
  • Đứt đốt sống: Đây là một khuyết tật ở ống thần kinh. Đây là một thuật ngữ y khoa dùng để mô tả gai xương bị hở hay cột sống có phần không kín hoàn toàn, khiến cho tủy sống và phần còn lại của hệ thần kinh hình thành sự bất thường.
  • Mẹ bị nhiễm trùng trong thời gian mang thai: Một bà bầu bị nhiễm trùng nghiêm trọng khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ con bị não úng thủy. Ngoài ra, các bệnh như sởi, quai bị, rubella... cũng có thể có liên quan đến tình trạng não úng thủy ở trẻ em.

benh-nao-ung-thuy-la-gi-va-co-the-dieu-tri-duoc-khong-voh

Bệnh não úng thủy có thể do nhiều nguyên nhân gây nên (Nguồn: Internet)

2.2 Não úng thủy sau khi em bé chào đời

Có những trường hợp, em bé được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh nhưng sau đó lại phát bệnh não úng thủy và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do:

  • Nhiễm trùng: Khi trẻ bị nhiễm trùng có khả năng làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra chứng tràn dịch não.
  • Chấn thương đầu: Trẻ bị chấn thương vùng đầu có thể gây chảy máu trong não thất dẫn đến tràn dịch não.
  • Xuất huyết não thất: Chảy máu trong não khiến máu chảy vào não thất, trộn với dịch não tủy, làm tăng áp suất chất lỏng. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sinh non (rất hiếm gặp ở những trẻ sinh đủ tháng).
  • Hấp thu dịch não tủy kém: Dịch não tủy chảy qua tâm thất trái nhưng dòng máu không thể hấp thu lượng dịch dư thừa do các khuyết tật trong não thất cản trở.

Lưu ý: Bệnh não úng thủy có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt thời kỳ thơ ấu của trẻ.

3. Dấu hiệu não úng thủy là gì?

  • Đầu bé sưng to bất thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên và sớm nhất. Đường kính của đầu sẽ tăng theo từng ngày. Sọ sẽ mở rộng, căng phồng, mềm, có thể cảm nhận được khi sờ vào đầu.
  • Mẹ có thể thấy các vết nứt xuất hiện ở các phần khác nhau tại vùng đầu của trẻ. Đây chính là những đường nối xương sọ nằm bên dưới da. Ngoài ra, thóp trước của trẻ cũng giãn to và căng hơn, các mạch máu da đầu cũng giãn to hơn bình thường
  • Mắt bé luôn nhìn xuống và không di chuyển mắt nhiều.
  • Bé không chịu ăn uống, thường xuyên bị nôn mửa,
  • Trẻ sơ sinh trở nên rất khó chịu và hay bị động kinh.

4. Não úng thủy gây nên những biến chứng gì?

Não úng thủy gây ra những tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung nên sẽ để lại nhiều di chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm và đúng cách.

Các di chứng thường gặp là: Viêm màng não mủ, bị mù, điếc, bị liệt, động kinh...

5. Não úng thủy có chữa được không?

Hiện nay, bệnh não úng thủy có thể được phát hiện ngay khi còn trong bụng mẹ với sự trợ giúp của phương pháp siêu âm. Sau khi có sự ra đời của phương pháp siêu âm não thì căn bệnh não úng thủy được tầm soát rất tốt.

benh-nao-ung-thuy-la-gi-va-co-the-dieu-tri-duoc-khong-1-vh

Có thể phát hiện bệnh não úng thủy qua siêu âm (Nguồn: Internet)

Và mặc dù các biến chứng của não úng thủy rất trầm trọng, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan.

Cách duy nhất để điều trị căn bệnh này chính là phẫu thuật, vì hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa được căn bệnh này. Dựa vào tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ có thể chỉ định một 2 loại phẫu thuật sau đây:

5.1 Phẫu thuật cấy ống shunt

Đây là phương pháp điều trị phổ biến căn bệnh não úng thủy ở trẻ sơ sinh. Bác sĩ sẽ dùng một ống dài, được làm từ silicon đặt vào bên trong não thất nơi dịch não tủy tích tụ. Ống thông này sẽ chuyển hướng dịch não tủy ra khỏi não.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ gắn một chiếc van tại một điểm gần não thất. Chiếc van này sẽ điều khiển dòng chảy và áp lực của dịch não tủy thoát ra khỏi não thất, đồng thời ngăn ngừa dòng chảy ngược của dịch não tủy vào não thất khi bệnh nhân thay đổi vị trí.

5.2 Nội soi phá sàn não thất 3

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch một đường ở não thất và chèn vào một máy dò để nhìn vào bên trong hệ thống não thất và đồng thời cũng tạo ra một con đường mới cho dòng chảy dịch não tủy.

Phương pháp này ít gây đau đớn cho bệnh nhân lại không mang đến nhiều hiệu quả đối với trẻ sơ sinh.

6. Ngăn ngừa tình trạng não úng thủy ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Không có cách nào ngăn ngừa được tình trạng tràn dịch não, cho dù phương pháp siêu âm có thể phát hiện não úng thủy khi em bé còn ở trong bụng mẹ.

Mặc dù vậy, mẹ vẫn có thể giảm bớt rủi ro mắc phải căn bệnh này bằng những việc làm sau đây:

  • Khám sức khỏe định kỳ trong thời gian mang thai.
  • Mẹ nên thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ trong giai đoạn mang thai, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại vắc xin phòng bệnh.
  • Khi bé được sinh ra đời, mẹ cần bảo vệ bé tránh bị những chấn thương vùng đầu như: loại bỏ những vật không an toàn khi bé tập bò, tập đi, sử dụng nôi có lan can bảo vệ hoặc thanh chắn để bé không bị té ngã...
  • Thực hiện việc tiêm chủng cho trẻ em đầy đủ để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến não.

Bệnh não úng thủy có thể kéo dài đến suốt đời nhưng đa số các bé đều có thể vượt qua được căn bệnh này. Căn bệnh não úng thủy ở trẻ em khá phức tạp nhưng nếu điều trị kịp thời sẽ giúp bé có được một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.

Bình luận