3 nguyên nhân gây dị tật ống thần kinh thai nhi và cách phòng ngừa

(VOH) – Dị tật ống thần kinh thai nhi là những khiếm khuyết xảy ra ở não và cột sống của thai nhi. Đây là một dị tật bẩm sinh phổ biến và có thể gây ra nhiều di chứng nặng nề ở trẻ.

Theo số liệu thống kê, cứ 1000 trẻ sẽ có một trẻ gặp nguy cơ bị dị tật ống thần kinh. Tỷ lệ trẻ bị dị tật ống thần kinh xảy ra cao ở những nước có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam. Chính vì thế, việc tìm hiểu rõ về tình trạng này chính là cách bảo vệ con yêu tốt nhất.

1. Dị tật ống thần kinh là gì?

Ống thần kinh là một cấu trúc tồn tại trong thời kỳ phôi thai và sẽ phát triển thành hệ thần kinh hoàn thiện sau này, gồm: bộ não, hộp sọ và cột sống.

Cấu trúc này phát triển từ rất sớm, vào tuần thứ 3 của thai kỳ, ban đầu chỉ là một dải mô nhỏ, gấp vào phía trong để tạo thành hình dạng một cái ống và bắt đầu kép dần, cho đến ngày thứ 28 của thai kỳ, ống thần kinh sẽ khép hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này không xảy ra đúng và ống thần kinh không đóng lại hoàn toàn thì sẽ dẫn đến khiếm khuyết ở não và cột sống.

1.1 Hai dạng phổ biến nhất của dị tật ống thần kinh thai nhi là:

  • Tật vô sọ: Tật vô sọ là loại khiếm khuyết ống thần kinh rất nghiêm trọng. Ở tình trạng này, não hầu như không phát triển. Trẻ bị tật vô sọ đều chết lưu trong tử cung hoặc chết ngay sau khi sinh.
  • Tật cột sống chẻ đôi: Ống thần kinh (phần tạo thành tủy sống và cột sống) nếu không đóng lại hoàn chỉnh sẽ gây tổn thương cho sự phát triển của tủy sống bên trong. Trẻ bị cột sống chẻ đôi thường bị liệt các dây thần kinh phía dưới vùng tủy sống bị tổn thương, dẫn đến việc vận động khó khăn, thậm chí không thể vận động được. Trẻ cũng có thể bị các vấn đề liên quan đến hiện tượng tăng áp lực trong sọ và tiêu tiểu không kiểm soát được. Một số trẻ tử vong sớm sau sinh do bị chẻ cột sống quá nặng.

3-nguyen-nhan-gay-di-tat-ong-than-kinh-thai-nhi-va-cach-phong-ngua-voh

Hai dạng khiếm khuyết ống thần kinh thường gặp nhất (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân dị tật ống thần kinh ở thai nhi

Dị tật ống thần kinh thai nhi có liên quan chặt chẽ với chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt của mẹ bầu.

2.1 Thiếu axit folic

Thiếu axit folic không thực sự gây ra các khuyết tật ống thần kinh thai nhi, nhưng nếu bổ sung đầy đủ axit folic có thể làm giảm tỷ lệ đột biến gen dẫn đến dị tật. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, cung cấp đủ axit folic và các vitamin nhóm B trước khi mang thai và trong những tháng đầu thai kỳ sẽ làm giảm đáng kêt nguy cơ dị tật thai nhi.

2.2 Yếu tố môi trường và lối sống

Dị tật ống thần kinh thai nhi có thể xảy ra từ lối sống không lành mạnh của người mẹ. Các trường hợp mẹ hút thuốc, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, béo phì, tiểu đường... thường có nguy cơ sinh con bị dị tật cao hơn.

Ngoài ra, những ảnh hưởng từ môi trường sống như khói bụi, ô nhiễm... cũng có thể là yếu tố góp phần làm gia tăng tình trạng này.

2.3 Hội chứng di truyền liên kết

Các vấn đề về di truyền cũng góp phần không nhỏ gây nên các vấn đề liên quan đến dây thần kinh. Tuy nhiên, những trường hợp này thường rất hiếm.

3. Cách điều trị khiếm khuyết ống thần kinh thai nhi

Điều trị dị tật ống thần kinh thai sẽ phụ thuộc vào loại khiếm khuyết của ống thần kinh và mức độ nặng nhẹ hoặc vị trí của dị tật.

3-nguyen-nhan-gay-di-tat-ong-than-kinh-thai-nhi-va-cach-phong-ngua-1-voh

Trẻ bị cột sống chẻ đôi sẽ tùy vào mức độ để có những cách điều trị khác nhau (Nguồn: Internet)

Những trường hợp trẻ bị cột sống chẻ đôi nhẹ có thể chỉ điều trị rất ít, trẻ cũng ít bị liệt hơn và có nhiều cơ may để sống một cuộc sống bình thường. Những trường hợp nặng sẽ phải cần đến phẫu thuật. Trong một số trường hợp trẻ cần được vật lý trị liệu để tập đi.

Các trường hợp trẻ bị tật vô sọ thì hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị, trẻ cũng thường sẽ chết lưu hoặc chỉ sống được vài ngày sau khi sinh.

4. Làm sao phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh?

Nếu muốn phát hiện các khiếm khuyết ống thần kinh, phụ nữ khi mang thai cần khám và theo dõi thai định kỳ. Siêu âm và xét nghiệm dị tật thai nhi là 2 phương pháp có thể giúp phát hiện sớm thai nhi bị dị tật ống thần kinh.

Thai phụ có thể thực hiện xét nghiệm nồng độ AFP trong máu ở tháng thứ 4 của thai kỳ và làm siêu âm ở tuổi thai từ 16 - 20 tuần. Các phương pháp này cho phép phát hiện 98% trường hợp dị tật ống thần kinh và một số loại dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.

4.1 Cách phòng ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, sử dụng axit folic ngay từ khi dự định mang thai và trong suốt thai kỳ có thể giúp làm giảm 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Ống thần kinh phát triển từ rất sớm, thường trong 3 tuần đầu của thai kỳ và khi đó bản thân người mẹ còn chưa biết mình đã mang thai. Vì thế, tốt nhất là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều nên cung cấp cho cơ thể đủ lượng axit folic cần thiết, cho dù có ý định mang thai hay không.

Ngoài ra, một hàm lượng axit folic vừa đủ còn giúp thai phụ giảm hẳn các nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân.

Bình luận