Chờ...

4 điều mẹ bầu cần biết khi muốn bổ sung axit folic trong thai kỳ

(VOH) - Phụ nữ có kế hoạch mang thai cần bổ sung axit folic vì đây là dưỡng chất cực kỳ quan trong cho sức khỏe bà bầu cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Axit folic nằm trong 13 loại vitamin cần được cung cấp hàng ngày cơ thể. Mẹ bầu có thể bổ sung axit folic từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau như rau xanh, trái cây, sữa hay các chế phẩm từ sữa. Ngoài ra, phụ nữ mang thai còn có thể bổ sung bằng cách dùng thuốc bổ, thực phẩm chức năng có chứa axit folic.

1. Axit folic là gì?

Axit folic là một loại vitamin B rất cần thiết cho việc sản xuất tế bào mới, đặc biệt là hồng cầu, axit folic đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai.

Phụ nữ mang thai nếu cơ thể thiếu axit folic sẽ rất dễ gây ra các bệnh liên quan đến rối loạn ống thần kinh, gây dị tật bẩm sinh, hiện tượng thiếu một phần não ở thai nhi. Tất cả các khuyết điểm này thường xảy ra trong 28 ngày đầu của thai kỳ (thời điểm hầu hết các mẹ đều chưa biết mình có thai).

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung axit folic trước và trong khi mang thai là cực kỳ quan trọng và cần thiết, bởi nó còn giúp phòng ngừa dị tật về môi, tim, ống tiểu và chân tay ở trẻ mới sinh.

2. Axit folic có tác dụng gì?

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, phụ nữ có kế hoạch mang thai cần bắt đầu uống axit folic càng sớm càng tốt. Nếu uống axit folic đúng cách, đúng liều lượng trước và trong giai đoạn sớm của thai kỳ sẽ hạn chế được 70% các trường hợp dị tật thai nhi, khuyết tật ống thần kinh cũng như nhiều vấn đề khác.

4-dieu-me-bau-can-biet-khi-muon-bo-sung-axit-folic-trong-thai-ky-voh

Phụ nữ mang thai cần bổ sung axit folic càng sớm càng tốt (Nguồn: Internet)

Tác dụng của axit folic là giúp cơ thể sản xuất và duy trì các tế bào mới. Đồng thời giúp ngăn ngừa những thay đổi ở DNA có thể dẫn đến ung thư. Axit folic được sử dụng như một loại thuốc điều trị chứng thiếu axit folic và bệnh thiếu máu hồng cầu.

Trong một số trường hợp, axit folic còn được dùng kết hợp với các thuốc khác để điều trị bệnh thiếu máu ác tính.

Axit folic có phải là sắt?

Về bản chất axit folic và sắt đều là những dưỡng chất cần thiết cho thai phụ nhưng là 2 loại khác nhau. Axit folic chính là một dạng hòa tan trong nước của vitamin B9. Còn sắt cho bà bầu là khoáng chất (hay còn gọi là nguyên tố vi lượng) rất cần thiết trong quá trình tạo hồng cầu trong cơ thể.

Vitamin và khoáng chất là 2 loại chất dinh dưỡng chất mà cơ thể cần được cung cấp mỗi ngày, tuy với một lượng nhỏ nhưng phải đủ để cơ thể hoạt động một cách bình thường.

3. Axit folic có trong thức ăn gì?

Axit folic có nhiều trong các loại thực phẩm tự nhiên, vì thế mẹ bầu có thể bổ sung axit folic trực tiếp thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Một số loại thực phẩm giàu axit folic mà mẹ có thể tham khảo như:

  • Cam: Không chỉ giàu axit folic, cam còn là nguồn giàu vitamin C và chất xơ. Nó vừa giúp tăng khả năng hấp thụ sắt, lại vừa giúp giảm nguy cơ táo bón khi nạp folate vào cơ thể.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Ngoài axit folic, sữa chứa nhiều protein và canxi nên cực kỳ tốt cho sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi trong bụng.
  • Rau bina: Hàm lượng axit folic trong rau bina rất cao so với các loại rau sẫm màu khác. Đây cũng là loại rau giàu chất sắt, vô cùng lành mạnh cho phụ nữ mang thai trong thai kỳ.
  • Đậu tương: Trong các loại đậu chứa lượng folate dồi dào, cao nhất phải kể đến đậu tương. Các chế phẩm từ đậu tương: Sữa đậu nành, đậu phụ,…đều khá tốt cho phụ nữ mang thai.
  • Lòng đỏ trứng: Ngoài vitamin A, vitamin D, axit folic tập trung chủ yếu ở lòng đỏ trứng gà.

Ngoài việc bổ sung axit folic bằng thực phẩm, mẹ bầu cũng có thể bổ sung axit folic bằng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Sử dụng thuốc bổ sung axit folic trong thai kỳ

Mặc dù axit folic không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu, nhưng không vì vậy mà dùng quá liều. Một lượng lớn axit folic dư thừa trong cơ thể sẽ gây nhiều tác hại khá xấu cho sức khỏe.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của tế bào mới dễ dẫn đến thoái hóa tủy sống. Đặc biệt, đối với trường hợp người có khối u, uống nhiều axit folic làm cho khối u phát triển nhanh hơn.

Nếu dư thừa lượng axit folic ít mẹ bầu cũng có thể sẽ phải đối mặt với chứng ngứa, nổi ban, mề đay và rối loạn tiêu hóa.

4-dieu-me-bau-can-biet-khi-muon-bo-sung-axit-folic-trong-thai-ky-1-voh

Thai phụ dùng axit folic phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Vì thế, thai phụ nên dùng axit folic một cách chính xác theo quy định của bác sĩ. Không dùng với số lượng nhiều hơn hoặc lâu hơn so với quy định. Thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn thuốc. Uống axit folic với nhiều nước.

Tùy theo thể trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ kê lượng axit folic phù hợp hàng ngày. Theo khuyến cáo, hướng dẫn chung là như sau:

  • Phụ nữ đang chuẩn bị mang thai nên dùng 400mcg axit folic mỗi ngày
  • Bà bầu nên dùng 600mcg axit folic mỗi ngày
  • Phụ nữ cho con bú nên uống hằng ngày 500mcg
  • Trường hợp các mẹ có con bị dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống hay thiếu một phần não và dự định sinh thêm con thì thai phụ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống. Thông thường những trường hợp này cần tới khoảng 4.000mcg axit folic mỗi ngày.

Lưu ý, axit folic hiện có những dạng và hàm lượng như sau:

  • Viên nang, thuốc uống: 5mg, 20mg
  • Dung dịch, thuốc tiêm: 5mg/mL
  • Viên nén, thuốc uống: 400mcg, 1mg
  • Viên nén, thuốc uống (không chất bảo quản): 400mcg, 800mcg

4.1 Những điều mẹ bầu cần nhớ trước khi dùng axit folic

Mẹ bầu không nên dùng axit folic nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc có các vấn đề sau: bệnh thận, thiếu máu tán huyết, thiếu máu ác tính, thiếu máu chưa có sự chẩn đoán của bác sĩ và khẳng định qua xét nghiệm, nhiễm trùng, nghiện rượu...

Thời điểm thích hợp nhất để uống axit folic là khoảng cách nghỉ giữa hai bữa ăn. Tuyệt đối không uống axit folic chung với trà, cà phê, rượu bởi nó sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của viên bổ sung.

Axit folic thường có rất ít tác dụng phụ, tác dụng phụ mẹ có thể gặp là táo bón. Vì thế mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để phòng ngừa hiện tượng táo bón khi mang thai.

Đối với axit folic có trong thực phẩm sẽ rất dễ bị phân hủy khi nấu. Do đó khi chế biến các thực phẩm giàu axit folic mẹ nên hấp, sử dụng lò vi sóng, hoặc xào sơ chứ không nên nấu sôi, chế biến quá kỹ vì sẽ khiến thực phẩm mất chất.