Sữa đậu nành là một loại thức uống quen thuộc và được rất nhiều chị em phụ nữ yêu thích. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai thì vấn đề dinh dưỡng cực kỳ quan trọng. Chọn được một loại sữa tốt, phù hợp sẽ giúp con yêu phát triển khỏe mạnh, toàn diện nhất.
1. Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không?
Một trong các loại sữa dành cho bà bầu không thể không nhắc đến sữa đậu nành. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc bà bầu uống sữa đậu nành sẽ không tốt, tuy nhiên, thực tế hầu hết mẹ bầu đều có thể uống sữa đậu nành, miễn là không sử dụng quá giới hạn cho phép.
Có rất nhiều lợi ích sức khỏe mà sữa đậu nành có thể mang đến cho mẹ bầu trong suốt thai kỳ, chẳng hạn như:
1.1 Ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi
Sữa đậu nành chứa nhiều axit folic nên giúp cung cấp những dưỡng chất cần thiết khi mang thai. Vì thế, bà bầu uống sữa đậu nành sẽ giúp bổ sung axit folic cho cơ thể, hỗ trợ phát triển tế bào thần kinh cũng như ngăn ngừa được dị tật ống thần kinh thai nhi.
1.2 Hạn chế tăng huyết áp thai kỳ
Những mẹ bầu đang lo lắng về tình trạng tăng huyết áp thai kỳ thì có thể uống sữa đậu như một loại thức uống hỗ trợ, bởi sữa đậu nành đã được chứng minh là có tác dụng giảm huyết áp, đặc biệt là huyết áp tâm trương.
1.3 Bổ sung vitamin cho cơ thể
Đối với phụ nữ mang thai, vitamin B1, A, E đều là những dưỡng chất rất cần thiết và trong sữa đậu nành lại rất giàu các loại vitamin này nên có thể đáp ứng được những nhu cầu về vitamin cho cơ thể mẹ bầu.
1.4 Đảm bảo cấu trúc thai nhi phát triển ổn định
Sữa đậu nành cũng là loại thực phẩm rất nhiều chất đạm, chính vì thế, bà bầu uống sữa đậu nành sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể làm việc hiệu quả hơn và đảm bảo cho cấu trúc thai nhi được phát triển ổn định.
1.5 Giúp xương chắc khỏe
Một trong lợi ích khi bà bầu uống sữa đậu nành là có thể giúp xương chắc khỏe. Trong sữa đậu nành giàu canxi và photpho, đây là những chất có thể giúp xương và răng của mẹ bầu chắc khỏe và tham gia vào quá trình hình thành khung xương cho thai nhi.
1.6 Cung cấp năng lượng
Sữa đậu nành cũng giàu chất béo thực vật và chứa nhiều carbohydrate nên giúp tăng cường năng lượng trong giai đoạn thai kỳ, tốt cho cả mẹ và bé.
1.7 Cải thiện tình trạng táo bón
Táo bón là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu bà bầu uống sữa đậu nành có thể sẽ giúp cải thiện tình trạng này bởi chất xơ trong sữa đậu nành có tác dụng cải thiện tình trạng táo bón, đầy hơi, chướng bụng.
Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng
2. Bà bầu uống sữa đậu nành có làm thay đổi giới tính thai nhi?
Mặc dù đã được khẳng định sữa đậu nành là một trong những thức uống có giá trị dinh dưỡng cao. Thế nhưng có không ít phụ nữ nghi ngờ rằng, sữa đậu nành không phải là thực phẩm tốt cho bà bầu trong 3 tháng đầu tiên vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính thai nhi.
Về thắc mắc liên quan đến việc liệu isoflavone có hoạt tính estrogen – hormone giới tính nữ trong sữa đậu nành có ảnh hưởng tới giới tính thai nhi hay không? Các nhà nghiên cứu khẳng định, chưa có một bằng chứng nào chứng minh được estrogen trong đậu nành sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé trai, càng không thể làm teo tinh hoàn hay vô sinh như nhiều người nghĩ.
Một nghiên cứu vào năm 2001 được thực hiện bởi Tiến sĩ Daniel Doerge cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy chất isoflavone có trong đậu nành được hấp thụ qua nhau thai người.
Một kết quả nghiên cứu vào năm 2002 của tạp chí Dinh Dưỡng Mỹ, nghiên cứu trên những trẻ sơ sinh uống sữa đậu nành cũng cho thấy, hoàn toàn không có một biểu hiện nào có hại đến sức khỏe của các bé.
Như vậy, bà bầu uống sữa đậu nành hoàn toàn không gây hại, thậm chí chất isoflavones trong sữa đậu nành còn được chứng minh có khả năng ngăn ngừa ung thư vú ở phụ nữ.
Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết ung thư vú và cách kiểm tra vú tại nhà giúp pháp hiện sớm ung thư vú
3. Bà bầu uống sữa đậu nành bao nhiêu là đủ?
Trong sữa đậu nành có hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu dồi dào. Nếu cơ thể mẹ bầu không bị dị ứng và uống sữa điều độ theo hướng dẫn của bác sĩ thì sẽ không gây hại mà còn đáp ứng được nhu cầu của cơ thể để giúp thai nhi phát triển bình thường.
Theo đó, phụ nữ mang thai uống sữa đậu nành không nên uống quá 500ml sữa/ngày và cũng không nên uống một lượng lớn cùng một lúc, không uống quá nhiều. Mỗi ngày chỉ nên uống 2 lần, mỗi lần khoảng 250ml sữa đậu nành.
Mẹ bầu có thể uống sữa đậu nành bất cứ lúc nào mình thích, chỉ trừ một thời điểm duy nhất đó là: lúc đang đói. Nếu uống sữa đậu nành lúc đói, các chất dinh dưỡng trong sữa hầu hết sẽ chuyển thành nhiệt, được cơ thể hấp thu và mất tác dụng.
Để cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất, khi bà bầu uống sữa đậu nành nên ăn kèm với bánh mì, bánh ngọt, hoặc những loại thực phẩm giàu tinh bột khác.
Ngoài ra cần lưu ý, ra mẹ bầu không nên uống sữa đậu nành nếu có tiền sử mắc các bệnh như: viêm dạ dày, viêm thận, sỏi thận, hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
4. Tác hại của sữa đậu nành với bà bầu
Mặc dù sữa đậu nành cung cấp những dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tuy nhiên, nếu mẹ bầu uống sữa đậu nành với số lượng nhiều và uống liên tục, không đúng cách có thể sẽ gặp phải một số rắc rối cho sức khỏe như:
- Chất isoflavone trong đậu nành có chức năng giống estrogen và có thể hạn chế tác dụng của estrogen. Thí nghiệm trên động vật cho thấy, nếu tiêu thụ lượng lớn sữa đậu nành một lúc có thể hình thành khối u hoặc gây dị dạng ở thai nhi.
- Một số thai phụ cho thấy biểu hiện dị ứng như phát ban, viêm, khó thở, nôn mửa, chóng mặt... khi uống sữa đậu nành quá nhiều. Ngoài ra, sữa đậu nành cũng có thể gây triệu chứng sốc phản vệ.
- Isoflavone trong đậu nành cũng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ mang thai. Vì thế, phụ nữ không nên uống sữa đậu nành quá nhiều trong giai đoạn thai kỳ.
5. Lưu ý cần nhớ khi bà bầu uống sữa đậu nành
Để có thể nhận được tối đa những dưỡng chất từ sữa đậu nành cũng như hạn chế thấp những tác hại của sữa đậu nành mẹ bầu cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Sữa đậu nành cần được đun sôi kỹ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tránh gây ra hiện tượng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy khi uống sữa.
- Không nên ăn cam, quýt trước hoặc sau khi uống sữa đậu nành vì chất axit có thể kết hợp với protein của đậu nành gây kết tủa ở ruột, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu hoặc tiêu chảy.
- Không bỏ trứng gà vào uống chung với sữa đậu nành vì albumin của trứng kết hợp với trypsin có trong đậu nành sẽ tạo ra những chất khiến cơ thể khó hấp thu, làm giảm giá trị dinh dưỡng.
- Không nên uống sữa đậu nành với các loại đường nâu vì protein trong đậu nành khi kết hợp với axit hữu cơ có trong đường nâu sẽ phá hủy các chất dinh dưỡng có trong sữa. Đồng thời, cũng làm ảnh hưởng khả năng tiêu hóa của cơ thể.
Như vậy, để bé yêu được phát triển toàn diện và lớn lên khỏe mạnh, mẹ cần tuân thủ những quy tắc trong ăn uống, đặc biệt là uống sữa đậu nành sao cho hợp lý nhất. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp chị em giải đáp băn khoăn bà bầu uống sữa đậu nành được không.