Covid-19 ngày nay và bài học từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm xưa

(VOH) - Sau Thế chiến I, Đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 đã giết chết ít nhất 50 triệu người. Sự kiện khủng khiếp này có thể dạy cho ta những bài học gì trong đại dịch Covid-19 ngày nay?

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã càn quét khắp thế giới, giết chết ít nhất 50 triệu người (có thể lến đến 100 triệu người vì các công cụ thống kê thời đó chưa đầy đủ). Sự kiện khủng khiếp này có thể dạy cho ta những bài học gì trong đại dịch Covid-19 ngày nay?

Đại dịch cúm Tây Ban Nha thời gian gần đây hay được đem ra như một thước đo nhằm so sánh với đợt bùng phát của dịch viêm phối cấp do chủng mới virus corona gây ra, hay còn có tên gọi chính thức mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt là Covid-19.

Dù vậy, điều quan trọng nhất trong phép so sánh này không phải là sự tương đồng giữa chúng, mà trái lại chính là tiến bộ to lớn ngành y học mà chúng ta đã đạt được sau hơn một thế kỷ. Dù chuyện gì xảy ra tiếp theo, cũng sẽ không bao giờ có một năm 1918 thứ hai.

Năm 1918, đại dịch cúm mà về sau này được gọi là cúm Tây Ban Nha được cho là khởi phát từ những trại huấn luyện quân sự tù túng, chen chúc ở mặt trận phía Tây châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Tại đây, tình trạng mất vệ sinh - đặc biệt là ở cách chiến hào dọc biên giới Pháp - đã tạo điều kiện cho việc ủ bệnh và rồi lây lan mạnh.

Chiến tranh Thế giới kết thúc vào tháng 11/1918, nhưng khi những người lính trở về nhà thì họ cũng mang virus theo cùng, và thiệt hại sinh mạng còn lớn hơn so với những tổn thất trong chiến tranh; khoảng từ 50 triệu cho đến 100 triệu người được cho là đã tử vong vì đại dịch này.

Kể từ đó đến nay, thế giới đã phải trải qua nhiều đại dịch, trong đó có ít nhất là ba trận bùng phát cúm, nhưng không có đại dịch nào gây chết người khủng khiếp và lan rộng như trận cúm Tây Ban Nha.

Trong thời điểm cả thế giới đang căng mình chống lại sự lây lan dữ dội của dịch bệnh Covid-19, hãy cùng nhìn lại sự kiện cúm Tây Ban Nha năm xưa để xem ta có thể học được gì từ một trong những nạn dịch tàn phá thế giới ghê gớm nhất trong lịch sử hiện đại của loài người.

Biến chứng viêm phổi: Sự nguy hiểm chết người

Trong các nghiên cứu về Covid-19, nhiều người trong số những nạn nhân tử vong thường đã có sẵn một chứng bệnh nào đó liên quan đến phổi, khiến cho hệ miễn dịch trong cơ thể trở nên yếu đi khi phải chống lại virus. Đây là điểm tương đồng với dịch cúm Tây Ban Nha, tuy phải nói rằng tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn rất nhiều lần so với cúm Tây Ban Nha.

Những người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch không đủ mạnh - là nhóm chiếm đa số trong những ca tử vong từ lúc dịch bệnh xuất hiện cho đến nay - dễ bị tổn thương hơn đối với các kiểu nhiễm trùng dẫn đến bệnh viêm phổi.

Covid-19 ngày nay và bài học từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm xưa

Khu vực điều trị cúm Tây Ban Nha năm 1918 tại doanh trại Funston, Kansas. Ảnh: US Army

Lây qua đường hô hấp: Tốc độ lan nhanh kinh hoàng

Tại thời điểm năm 1918 bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha, việc đi lại bằng đường hàng không lúc đó mới chỉ đang trong giai đoạn sơ khai. Mặc dù vậy, rất ít nơi trên Trái đất thoát được tác động kinh khủng của nó.  Mức độ lan ra khắp thế giới của cúm Tây Ban Nha được ghi nhận là chậm hơn Covid-19, khi đa số lây lan khi người nhiễm bệnh đi bằng tàu hỏa chạy bằng hơi nước và xe khách. Một số nơi trên thế giới đã “trụ vững” được trong vài tháng, thậm chí vài năm trước khi dịch cúm tràn tới tàn phá, cướp đi nhiều sinh mạng.

Mặc dù vậy, một số nơi đã giữ được cho dịch cúm không lan tới, thường là nhờ áp dụng các kỹ thuật căn bản mà về sau này, khi đã trải qua cả trăm năm nay vẫn được sử dụng và phát huy tác dụng.

Một ví dụ đó là tại Alaska, một cộng đồng cư dân ở Vịnh Bristol đã hầu như không bị hề hấn gì với cúm Tây Ban Nha. Họ cho đóng cửa trường học, cấm các buổi tụ tập đông người nơi công cộng, và gần như “cô lập” các ngôi làng trong khu vực. Đây là một hình thức “cấp thấp” của việc áp dụng lệnh cấm đi lại, hay phong tỏa đã được dùng tại ở một số vùng ngày nay, chẳng hạn như tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và các thành phố ở phía bắc Italy, nhằm ngăn chặn tình trạng virus corona lan rộng.

Thời đó, các bác sĩ đã mô tả bệnh cúm Tây Ban Nha như một "nạn diệt chủng về y tế lớn nhất trong lịch sử". Theo đó, vấn đề không chỉ ở chỗ nó giết chết bao nhiêu người, mà là một lượng rất lớn các nạn nhân tử vong đều thuộc nhóm dân số trẻ, khoẻ mạnh.

Covid-19 ngày nay và bài học từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm xưa

Một nhà hát tại thành phố Oakland được sử dụng như một bệnh viện tạm thời với các y tá tình nguyện từ Hội Chữ thập đỏ Mỹ giúp chăm sóc người bệnh trong trận dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: Underwood Archives/ Getty Images

Thông thường, một hệ miễn dịch khoẻ mạnh có thể đối phó được một cách hợp lý đối với cúm, nhưng loại cúm này tấn công nhanh tới mức nó áp đảo hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng cơ thể phản ứng thái quá, từ đó làm tràn dịch màng phổi, khiến cho phổi trở thành hồ chứa hoàn hảo cho virus gây bệnh.

Điều thú vị là những người cao tuổi lại không dễ bị lây nhiễm, có lẽ bởi cơ thể họ đã trải qua một loại cúm rất giống với cúm Tây Ban Nha, từng xảy ra với nhiều cộng đồng dân số hồi thập niên 1830.

Mặc dù vậy, với chủng virus corona mới đang hoành hành hiện nay, người cao tuổi và người có bệnh nền được coi là nhóm nhiều rủi ro nhất. Dẫu cho tỷ lệ tử vong thấp, nhưng tỷ lệ này ở những người trên 80 tuổi lại rất cao.

Y tế công: Hàng phòng thủ tốt nhất

Cúm Tây Ban Nha bùng phát vào thời điểm thế giới vừa trải qua một cuộc chiến toàn cầu, khi mà các nguồn lực công cần thiết nhất đều được hướng tới phục vụ quân sự.

Bên cạnh đó, ý tưởng về một hệ thống y tế công khi đó còn đang trong giai đoạn trứng nước. Ở nhiều nơi, chỉ tầng lớp trung lưu hoặc giàu có mới có khả năng đi khám bác sĩ.

Cúm Tây Ban Nha giết chết nhiều người ở các khu ổ chuột và các khu nghèo đô thị, trong các cộng đồng dân cư không được ăn uống đủ dinh dưỡng, không có điều kiện sinh hoạt vệ sinh, và thường là ở những người đã có nhiều bệnh nền.

Chính đại dịch này đã thúc đẩy sự phát triển những hệ thống y tế công tại các nước phát triển, do các nhà khoa học và chính phủ các nước nhận ra rằng các đại dịch có thể lan ra nhanh chóng hơn so với trước kia.

Theo đó, việc chữa trị cho từng trường hợp một sẽ là không đủ để đối phó với các đại dịch trong môi trường đô thị - khi số người nhiễm bệnh có thể nhanh chóng lên đến hàng ngàn, hoặc hàng chục ngàn người và lực lượng y tế không phát triển kịp và đủ để tương thích với số ca bệnh. Do đó chính phủ các nước cần phải huy động tổng thể các nguồn lực như thể họ đang trong thời chiến, phải cách ly những người có triệu chứng bị bệnh, tách các ca bị bệnh nhẹ khỏi các ca bị nặng hơn, và hạn chế việc đi lại di chuyển của người dân, để từ đó bệnh dịch có thể dần dần được khống chế.

Có thể thấy, các biện pháp y tế cộng đồng đang được áp dụng ngày nay ở nhiều nước trên thế giới nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona là một trong những kinh nghiệm điển hình và lâu bền nhất từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm xưa.