Củ địa liền có tác dụng gì đối với các bệnh về đường tiêu hóa?

(VOH) - Củ địa liền là cây cỏ mọc hoang dại khắp nơi trong cả nước và được làm thuốc giúp tiêu viêm, rất tốt cho dạ dày. Vậy cụ thể củ địa liền có tác dụng gì?

1. Mô tả về cây địa liền

Địa liền (Kaempferia galanga L) hay thiền liền, tam nại, sơn nại, là cây thân thảo thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm, có thân rễ gồm nhiều rễ củ, mọc nối tiếp nhau và có hình trứng với nhiều vân ngang. Lá hình trứng gần tròn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới hơi có lông mịn và mọc xòe ra sát mặt đất. Phiến lá rộng, thuôn hẹp lại thành cuống. Hoa màu trắng pha tím, mọc ở nách lá, không có cuống. 

Toàn cây địa liền, nhất là củ (thân rễ) có mùi thơm và vị nóng. Do đó, người dân thường sử dụng củ địa liền để làm thuốc, thu hái vào mùa đông xuân. Sau khi thu hoạch, đem phần củ rửa sạch và thái mỏng rồi phơi khô.

cu-dia-lien-co-tac-dung-gi-doi-voi-cac-benh-ve-duong-tieu-hoa-voh-1
Cây địa liền có tán lá to, mọc xòe sát mặt đất (Nguồn:Internet)

2. Thành phần hóa học trong củ địa liền

Theo các nhà nghiên cứu, củ địa liền rất có lợi cho sức khỏe do chứa khoảng 2,4–3,9% tinh dầu. Thành phần chủ yếu là axit p-methoxycinamic, ethyl cinamat và p-methoxy ethylcinamat. Ngoài ra, củ còn có các hợp chất n-pentadecan, A3-caren, camphen, O-methoxy ethylcinamat, borneol, aldehyd cinamic, cineol, kaempferol, kaempferid…

3. Củ địa liền có tác dụng gì trong Đông y?

Theo Y học cổ truyền, nhờ vào vị cay, tính ôn, quy vào các kinh tâm, tỳ, vị, củ địa liền có tác dụng ôn trung, tán hàn, trừ thấp, tiêu viêm. Thích hợp giúp giảm đau, chống viêm, hạ sốt, làm ra mồ hôi, giảm co thắt, gây hưng phấn và diệt dòi, bọ. Sau đây là các tác dụng của củ địa liền mà bạn nên biết:

  • Dùng chữa ngực bụng đau lạnh, tiêu chảy, thuốc kiện vị, giúp tiêu hóa, chữa chứng ăn uống khó tiêu, đau dạ dày, cảm, ho, nôn mửa, hen suyễn;
  • Dùng rượu ngâm địa liền riêng lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như huyết giác, thiên niên kiện, đại hồi, quế chi, long não để xoa bóp, chữa đau nhức, tê phù hoặc ngậm chữa đau nhức răng;
  • Tinh dầu củ địa liền còn dùng chế nước hoa, mỹ phẩm, làm vị điều hương trong thực phẩm. Bột địa liền có tác dụng bảo vệ quần áo, chống nhậy cắn.

Ngoài ra, tác dụng của củ địa liền còn được người dân Philippines và Malaysia sử dụng làm thuốc. Ở Philippines, nước sắc từ củ địa liền giúp chữa ăn uống khó tiêu, sốt rét. Lá giã nát hơ nóng, đắp chữa tê thấp. Còn ở Malaysia, thân rễ địa liền được dùng chữa tăng huyết áp, lở loét, hen suyễn. Lá và thân rễ nhai, ngậm chữa ho và đau họng. Thân rễ dùng riêng chữa cảm lạnh.

Xem thêm: Cảm lạnh nên ăn 9 loại thực phẩm sau để giúp bệnh nhanh khỏi

4. Một số bài thuốc từ củ địa liền mà bạn có thể tham khảo

4.1 Chữa ngực, bụng lạnh đau

Nguyên liệu: (mỗi vị đồng lượng)

  • Củ địa liền; 
  • Đinh hương;
  • Đương quy;
  • Cam thảo. 

Cách làm:

Đầu tiên, bạn đem tất cả các loại nguyên liệu đem tán nhỏ thành bột. Sau đó, cho hỗn hợp này trộn với hồ làm thành các viên tròn bằng hạt ngô. Sử dụng 10 viên cho mỗi lần uống. Tác dụng của củ địa liền sẽ giúp chữa ngực, bụng lạnh đau rất hiệu quả. 

cu-dia-lien-co-tac-dung-gi-doi-voi-cac-benh-ve-duong-tieu-hoa-voh-2
Tác dụng của củ địa liền giúp chữa ngực, bụng lạnh đau (Nguồn:Internet)

4.2 Chữa ăn uống khó tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh

Nguyên liệu:

  • Củ địa liền 2g;
  • Quế chi 1g

Cách làm:

Bạn đem hai nguyên liệu này tán nhỏ thành bột mịn, rồi trộn đều lên. Mỗi ngày chia làm 3 lần uống, bệnh tình sẽ dần được cải thiện.

5. Lưu ý khi dùng củ địa liền

  • Tác dụng của củ địa liền giúp chữa bệnh rất tốt. Tuy nhiên, người âm hư, vị có hỏa uất, thiếu máu không nên uống nước sắc địa liền;
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú cần cẩn thận khi sử dụng củ địa liền. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ thảo dược nào;
  • Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này;
  • Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Xem thêm: 

Bình luận