Chờ...

Cứu kịp thời bé gái 13 tuổi nguy kịch vì bị ong đốt

VOH - Ngày 16/7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thông tin vừa tiếp nhận bé gái 13 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ nguy kịch sau khi bị ong đốt.

Người nhà cho biết khuya 16/7 bệnh nhi bị ong mật bay vào nhà và đốt vào mi mắt. Gia đình nhanh chóng rút nọc độc ra và thấy chỗ bị ong đốt nhanh chóng nổi ban, sưng, đỏ, sau đó mề đay, ban đỏ xuất hiện khắp cơ thể.

Gia đình đưa trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày trong đêm. 

Trẻ nhập viện trong tình trạng phù nề vùng mặt, ho, khó thở, tức ngực, mệt nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt, được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do ong đốt.

Các bác sĩ đã xử trí tình trạng phản vệ do ong đốt. Bệnh nhi được tiêm chống sốc, truyền dịch, thở oxy và theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở.

Nhưng tình trạng phản vệ của bệnh nhi vẫn tiến triển nặng lên.

cấp cứu tử vong bệnh viện
Ảnh minh họa

Bệnh nhi được đặt ống nội khí quản (ống thở) cấp cứu, truyền nhanh dịch, duy trì các thuốc vận mạch (các thuốc nâng huyết áp) liều cao nhưng huyết áp vẫn ở mức thấp.

Sau một thời gian can thiệp và xử trí tích cực, bệnh nhi đã cải thiện rõ rệt, thoát khỏi tình trạng nguy kịch, huyết động dần ổn định, giảm dần các thuốc vận mạch. 

Bác sĩ Đoàn Duy Thành - khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính ở mức độ nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Dị ứng có thể dẫn đến sốc phản vệ thường gặp như nọc côn trùng (nọc ong, nọc rắn, nọc bọ cọp…); thực phẩm từ sữa (sữa bò, phô mai, pho mát); đậu, lạc, phấn hoa, hóa chất, thuốc… 

Vì vậy khi phát hiện tình trạng lạ sau khi bị côn trùng cắn, ăn các loại thực phẩm lạ,... cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm để được xử trí kịp thời.