Ông Đặng Thành - giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông - xác nhận đến sáng 8/7, toàn tỉnh đã có 8 ổ dịch tại 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk R’lấp với tổng số 28 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong (đều ở huyện Đắk Glong).
Ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thăm hỏi và động viên người dân xã Quảng Hòa huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu - Ảnh: SGGP
>>> Lịch tiêm chủng bạch hầu diện rộng vào ngày nào?
Hiện ổ dịch thứ 8 tại bon Bu Ndoh (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) đã phát hiện 3 ca dương tính, nhiều người nghi vấn đang được kiểm tra y tế, lấy mẫu để thực hiện các biện pháp điều trị. Hơn 300 người dân tại bon cũng được cách ly hoàn toàn đến ngày thứ bảy.
Ông Nguyễn Ngọc Quân - phó chủ tịch UBND xã Đắk Wer - cho biết xã đã thiết lập các chốt kiểm soát để đảm bảo nguồn dịch không lây ra ngoài cũng như có những mầm nguy cơ mới. Tại các ngả đường vào xã, chính quyền địa phương đã nhanh chóng lập các chốt kiểm soát để tẩy trùng, khử độc, đảm bảo an toàn chung. Trong thời gian cách ly, xã đã vận động để mua gạo, mì ăn liền, mắm muối hỗ trợ các hộ dân khu vực ảnh hưởng.
"Trước những diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, địa phương đề xuất cho cách ly hoàn toàn như cách ly đối với COVID-19 để đảm bảo ngăn chặn nguồn lây", ông Quân nói.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết trung ương sẽ cung ứng toàn bộ vắcxin, vật tư y tế cho các tỉnh Tây Nguyên dập dịch bạch hầu. Tỉnh cũng đã có kế hoạch để mua vắcxin, hóa chất để dự phòng dịch bùng phát.
Về việc có cách ly các ổ dịch hay không, bà Hạnh yêu cầu các địa phương có dịch "bám sát luật" đã hướng dẫn. "Đây là bệnh nhóm B, nên chính quyền địa phương có thể tùy vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân", bà Hạnh yêu cầu.