Chờ...

Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ và nặng

(VOH) - Bệnh trĩ thường phát triển qua nhiều giai đoạn, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì điều trị sẽ dễ dàng và ít biến chứng hơn. Vậy dấu hiệu bệnh trĩ là gì để kịp thời nhận biết?

Bệnh trĩ được chia thành 3 loại phổ biến là trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Trong đó, trĩ hỗn hợp là sự kết hợp của cả trĩ nội và trĩ ngoại và người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng của cả 2 loại bệnh trĩ này. 

dau-hieu-benh-tri-nhe-va-nang-voh-1

Trĩ là căn bệnh phổ biến nhưng mọi người thường rất ngại đi thăm khám (Nguồn: Internet)

1. Dấu hiệu bệnh trĩ nội

Trĩ nội là tình trạng các búi trĩ xuất hiện trên đường lược và được bao phủ bởi lớp niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp. 

Đối với trĩ nội, ban đầu các búi trĩ nằm bên trong trực tràng nên người bệnh thường không thể nhận thấy sự hiện diện của chúng bằng mắt thường hoặc khi dùng tay sờ kiểm tra. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết trĩ nội qua những triệu chứng sau đây:

1.1 Trĩ nội độ 1: 

Người bệnh đi cầu ra máu mặc dù không có cảm giác đau rát. Trong lúc đi cầu, phân khi đi ngang hậu môn có thể làm trầy xước bề mặt búi trĩ và gây chảy máu. Người bệnh có thể phát hiện khi quan sát phân hoặc giấy vệ sinh. 

Ban đầu, máu chỉ dính một chút vào giấy vệ sinh nhưng khi bệnh nặng, máu sẽ nhỏ giọt hoặc bắn thành tia kèm theo sa búi trĩ. 

1.2 Trĩ nội độ 2: 

Búi trĩ sa thấp hơn, nằm thập thò bên trong hậu môn. Khi rặn hay đi đại tiện, búi trĩ có thể thò ra ngoài, sau đó tự thụt lên được.

1.3 Trĩ nội độ 3:

Các biểu mô búi trĩ dày và to hơn, có màu đỏ sẫm và bề mặt thô như các búi trĩ ngoại. Lúc này, búi trĩ đã sa ra ngoài làm cơ thắt hậu môn bị nhão. Khi người bệnh đi đại tiện, ho hoặc vận động mạnh thì búi trĩ sẽ sa ra ngoài, người bệnh phải dùng tay đẩy vào búi trĩ mới thụt vào được.

1.4 Trĩ nội độ 4:

Búi trĩ sa hẳn ra ngoài, người bệnh dùng tay đẩy búi trĩ cũng không vào được.

Hầu hết ở 4 cấp độ thì người mắc bệnh trĩ nội đều có triệu chứng ngứa rát hậu môn, đại tiện ra máu,…

2. Dấu hiệu bệnh trĩ ngoại

Trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ xuất hiện phía dưới đường lược, búi trĩ được phủ bởi lớp biểu mô vảy và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.

Bệnh trĩ ngoại thường có những dấu hiệu nhận biết sau đây:

2.1 Đi cầu ra máu

Đi cầu ra máu là triệu chứng bệnh trĩ nói chung và trĩ ngoại nói riêng. Ban đầu, máu chỉ dính một chút vào giấy vệ sinh hoặc lẫn trong phân, sau đó chảy nhỏ giọt. Ở giai đoạn nặng, máu có thể chảy thành tia.

2.2 Cảm giác vướng víu, đau rát hậu môn

Vì các búi trĩ nằm bên ngoài nên người bệnh luôn có cảm giác vướng víu, đau rát và khó chịu vùng hậu môn sau khi đi đại tiện.

2.3 Tĩnh mạch bị phình và chồng chéo lên nhau

Người bệnh quan sát thấy búi trĩ phồng lên như mẩu thịt thừa, màu đỏ sẫm, các tĩnh mạch chồng chéo lên nhau. 

Triệu chứng của bệnh trĩ ngoại luôn gây cảm giác khó chịu, đau và ngứa vùng hậu môn. 

Như vậy, mặc dù vị trí búi trĩ nằm khác vị trí nhưng triệu chứng của trĩ nội và trĩ ngoại đều có điểm chung là gây ngứa rát hậu môn, đại tiện ra máu và xuất hiện tình trạng sa búi trĩ…Khi có những triệu chứng này, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác mắc bệnh trĩ nào và có cách điều trị hợp lý.

Xem thêm: Áp xe hậu môn và những điều cần biết

dau-hieu-benh-tri-nhe-va-nang-voh-2

Khi có dấu hiệu bệnh trĩ thì không nên ngần ngại mà hãy đi thăm khám ngay (Nguồn: Internet)

3. Bệnh trĩ có tự khỏi không?

Thực tế, bệnh trĩ là tình trạng phình giãn tĩnh mạch hậu môn – trực tràng do phải chịu áp lực trong thời gian dài. Vì là bệnh mãn tính nên thường tiến triển dai dẳng và không thể tự khỏi mà bắt buộc phải can thiệp điều trị.

Thực tế cho thấy, bệnh trĩ giai đoạn đầu thường đáp ứng tốt với các biện pháp bảo tồn. Nếu người bệnh tích cực dùng thuốc kết hợp với xây dựng lối sống ăn uống và sinh hoạt khoa học thì sẽ cải thiện rõ rệt các triệu chứng, từ đó bệnh cũng không tiến triển nặng hơn. Tuy nhiên, nếu không điều trị, bệnh kéo dài, búi trĩ sẽ ngày càng phát triển và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh trĩ thì cần thiết bạn phải đến khoa hậu môn – trực tràng ở các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị. 

4. Bệnh trĩ có nguy hiểm không?

Mặc dù bệnh trĩ gây nhiều phiền toái đến chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh nhưng đây là bệnh có thể điều trị và hầu hết không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bị bệnh trĩ nặng, bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra một số biến chứng như:

4.1 Thiếu máu

Tình trạng đi cầu ra máu kéo dài mà không được xử lý có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu. Biểu hiện của thiếu máu thường là mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút, giảm mức độ tập trung,…

4.2 Nghẹt búi trĩ

Nghẹt búi trĩ thường là biến chứng của bệnh trĩ nội. Biến chứng này xảy ra khi búi trĩ sa ra ngoài hoàn toàn, kích thích cơ vòng hậu môn co thắt mạnh, khiến búi trĩ phù nề và thiếu máu nuôi dưỡng. Nghẹt búi trĩ kéo dài có thể gây viêm sưng, chảy máu hoặc thậm chí hoại tử.

4.3 Tắc mạch

Tắc mạch là tình trạng hình thành cục máu đông bên trong mạch máu của búi trĩ. Tắc mạch trĩ ngoại thì vùng rìa hậu môn sẽ thấy khối phồng nhỏ màu xanh kèm cảm giác đau rát khi sờ, căng. Tắc mạch trĩ nội thì có cảm giác đau và cộm trong hậu môn.

Những biến chứng này là lý do khuyến cáo người mắc bệnh trĩ nên đi thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh trĩ tái phát thì bạn cũng nên có chế độ ăn uống hợp lý để phòng ngừa táo bón (nguyên nhân hàng đầu gây bệnh trĩ), xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh.