Tinh hoàn là bộ phận của tuyến sinh dục nam nằm ở bìu dái. Nó có vai trò sản xuất và dự trữ tinh trùng, đồng thời tham gia vào hệ nội tiết với vai trò sản xuất ra hormone testosterone. Tinh hoàn được giữ cố định bằng dây thừng tinh.
1. Xoắn tinh hoàn là gì?
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn xoắn lại ở đoạn cuối của dây thừng tinh. Gọi là xoắn tinh hoàn nhưng thực ra 2 "hòn bi" của nam giới rất khó có thể xoắn được. Hiện tượng xoắn chỉ xảy ra ở cuống tinh hoàn, tức là xoắn dây thừng tinh.
Dây thừng tinh bị xoắn khiến tinh hoàn bị tím (Nguồn: Internet)
Chỗ xoắn dạng xoắn ốc sẽ cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tinh hoàn. Nếu cứ bị xoắn chặt, tinh hoàn sẽ bị tổn thương và có thể hoại tử.
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là nam giới trẻ từ 12 – 20 tuổi và cũng phổ biến ở trẻ sơ sinh.
2. Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn
Khi mới hình thành trong bào thai, tinh hoàn của thai nhi nằm cạnh 2 quả thận. Lúc thai được 3 tháng trở đi, 2 tinh hoàn sẽ chui dần ra khỏi bụng đến khi nằm trong bìu. Khi bé trai chào đời, mỗi tinh hoàn sẽ dính với bụng bằng một cuống mạch máu dài gọi là thừng tinh và được cố định với các mô xung quanh chúng.
Đôi khi sự liên kết của các mô này quá lỏng và tinh hoàn treo tự do trên thừng tinh. Xoắn tinh hoàn thường gặp nhiều hơn ở những người mắc phải vấn đề với các mô ở vùng này.
Trong một số trường hợp, các khối u trong bìu dái có thể khiến tinh hoàn lệch khỏi vị trí bình thường, làm cho dây thừng tinh bị xoắn.
Ngoài ra, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra đột ngột không lý do hoặc cũng có thể do chấn thương.
3. Dấu hiệu xoắn tinh hoàn
Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị xoắn tinh hoàn gồm có:
- Bất ngờ đau nặng một tinh hoàn.
- Sưng bìu.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Đau bụng.
- Một tinh hoàn ở vị trí cao hơn bình thường.
- Tiểu đau.
- Có thể sốt.
Đôi khi xoắn tinh hoàn gây ra cơn đau kéo dài 5 – 10 phút rồi tự hết do thừng tinh bị xoắn rồi tự tháo ra. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp thừng tinh bị xoắn mà không tự tháo ra. Lúc này người bệnh cần phải nhập viện cấp cứu.
4. Điều trị xoắn tinh hoàn như thế nào?
Bệnh xoắn tinh hoàn có thể chữa kịp thời nếu bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 4 – 6 tiếng, khi đó bệnh cũng sẽ không để lại di chứng.
Sau khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mổ tinh hoàn. Bác sĩ sẽ rạch da bìu, sau đó tháo xoắn thừng tinh và khâu một hoặc cả 2 tinh hoàn vào bìu để phòng trường hợp tinh hoàn bị xoay. Mổ xoắn tinh hoàn là phẫu thuật không quá phức tạp và ít xâm lấn, nhưng quan trọng hơn hết là người bệnh cần phải chữa trị trong thời điểm “vàng” là từ 4 – 6 tiếng sau khi bị xoắn tinh hoàn.
Khi bị đau tinh hoàn nên đi khám càng sớm càng tốt (Nguồn: Internet)
Nếu chậm trễ trong việc điều trị, tinh hoàn sẽ bị đen, hoại tử và biện pháp an toàn lúc này là cắt bỏ tinh hoàn. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng vì nếu chỉ còn một tinh hoàn thì vẫn có thể đáp ứng được nhiệm vụ “duy trì nòi giống”.
Lưu ý: Sau khi phẫu thuật cố định cả 2 tinh hoàn, người bệnh nên tránh tham gia các môn thể thao sức mạnh, vì các tác động mạnh đến tinh hoàn như va chạm trong lúc chơi có thể làm dây thừng bị xoắn lại.
Nhìn chung, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời. Do đó, ngay khi có triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu, cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.