Chờ...

Đến năm 2023: Ngành Y tế Việt Nam có thể thiếu khoảng 40.000 - 50.000 điều dưỡng viên

(VOH) - Ước tính, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo, đến năm 2030, ngành Y tế Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40.000 – 50.000 nhân lực điều dưỡng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo, đến năm 2030, ngành Y tế Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000 – 50.000 nhân lực điều dưỡng.

Tại Hội nghị Điều dưỡng trưởng toàn quốc năm 2022 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức vừa qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, đội ngũ điều dưỡng chiếm 70% lực lượng lao động trong bệnh viện. Dịch vụ do người điều dưỡng cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19 đội ngũ điều dưỡng có nhiều biến động, thiếu điều dưỡng và có xu hướng nghỉ việc trong bệnh viện do chưa được đãi ngộ tương xứng, vị thế vai trò của người điều dưỡng đã được quan tâm nhưng nhiều Sở Y tế, bệnh viện chưa quan tâm, phát huy vai trò của người điều dưỡng. 

điều dưỡng viên
Đội ngũ điều dưỡng hiện đang chiếm 70% lực lượng lao động trong bệnh viện tại Việt Nam

Năm 2022, Việt Nam có 148.557 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề. Tỷ số điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ khoảng 1,8. Trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3-4 điều dưỡng viên, Nhật Bản thậm chí có đến 9-10 người, còn ở Việt Nam 1 bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên.

Thực trạng hiện nay cho thấy, tại các cơ sở y tế đang thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng rất lớn. Tỷ lệ điều dưỡng trung bình trên 10.000 dân nước ta hiện nay là 11,4 - thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới.

Để tiến tới tỷ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân thì Việt Nam cần thêm lượng điều dưỡng viên gấp 2-3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có.

Xem thêm: TPHCM đề xuất có thêm trợ lý điều dưỡng để đảm bảo chăm sóc tốt bệnh nhân

Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ Đề án Đổi mới cơ chế, chính sách điều dưỡng hướng tới chăm sóc toàn diện giai đoạn 2022-2030 nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng cũng như đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện, thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 20/NQ-TƯ ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt chỉ tiêu đến năm 2025 sự hài lòng của khu vực nội trú trên 80%, có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.