Dịch bệnh do virus corona: Kiểm soát tốt không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện

(VOH) - Chính việc thực hiện nghiêm, đúng phác đồ, hướng dẫn từ cách ly, nhiễm soát nhiễm khuẩn đã mang lại hiệu quả rất tích cực.

Việc điều trị thành công 3 trường hợp nhiễm chủng mới virus Corona tại Việt Nam đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo từ Chính phủ cho đến Bộ Y tế cùng sự dốc sức của cả hệ thống chính trị.

Việc thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo đã tạo nên hiệu quả tích cực, là  động lực rất lớn để các y bác sĩ ngày đêm tích cực trong cuộc chiến với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus nCoV.

Chú thích ảnh: Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bệnh viện Chợ Rẫy vì có những nỗ lực trong công tác  điều trị bệnh nhân nhiễm virus nCoV

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bệnh viện Chợ Rẫy vì có những nỗ lực trong công tác điều trị bệnh nhân nhiễm virus nCoV

Bệnh nhân Li ZiChao 28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc là một trong hai người đầu tiên dương tính với virus Corona tại Việt Nam được xuất viện vào sáng ngày 4/2 tại Bệnh viện Chợ rẫy.

Về người cha của bệnh nhân này – cũng là bệnh nhân nhiễm virus nCoV vào cùng đợt với người con, thì bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới -  Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tiên lượng lâm sàng rất ổn định, tin tưởng bệnh nhân sẽ có khả năng cải thiện, còn dấu chứng về việc có khỏi hẳn việc virus hay không thì phải tiếp tục theo dõi. Với bệnh nhân nhiều bệnh nền, khi quyết định ra viện phải thật chắc chắn. Theo dõi kỹ lưỡng như Chợ Rẫy coi như là bài học kinh nghiệm để các đồng nghiệp có kinh nghiệm điều trị về sau đặc biệt với 1 bệnh nhân có bệnh mãn tính kèm theo như thế này.

Bác sĩ Nguyễn Trí Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã đúc kết kinh nghiệm chuyên môn rất quý báu sau quá trình tiếp nhận điều trị hai cha con người Trung Quốc nhiễm virus nCoV, đặc biệt lưu ý trên thể trạng người mắc bệnh nền thì việc tập trung điều trị phải luôn lưu ý tới bệnh nền mà bệnh nhân đang mắc.

"Lúc bệnh nhân (người cha) mới vô ngoài nhiễm virus nCoV thì còn bội nhiễm hô hấp do vi trùng, diễn tiến hô hấp rất xấu nên bệnh viện phải mời chuyên khoa hô hấp cùng các chuyên khoa khác hội chẩn liên tục trong dịp Tết, tình hình sau đó có cải thiện. Nhiều khi mình quá chú tâm vào bệnh nhiễm virus nCoV mà quên đi bệnh nền thì không ổn. Cuối cùng bệnh nhân có thể nặng lên vì bệnh nền. Bệnh nhân này đã đặt 3 stent mạch vành, nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao cộng với đái tháo đường, tăng huyết áp nên mình phải quan tâm đến chuyện bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim. Do vậy các bác sỹ phải ngăn nhồi máu cơ tim vì gánh nặng như vậy tim chịu không nổi" - bác sĩ Thức nói. 

Về mặt dịch tễ học, lo ngại vấn đề bệnh nhân sau khi khỏi bệnh có tái mắc hay đào thải ra hay không? Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố nhận định: "Bệnh này vẫn còn mới nên từ vấn đề miễn dịch, rồi đào thải ra, sau này có tái mắc hay không thì vẫn còn là ẩn số, mình vừa làm vừa nghiên cứu. Nhưng thấy rằng người con về lâm sàng rất ổn định theo báo cáo từ Bệnh viện Chợ Rẫy, cộng với 4 lần âm tính sau xét nghiệm. Chúng ta vừa thực hiện 2 tiêu chuẩn vừa đúng phác đồ Bộ Y tế, và hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới cộng thêm 4 lần âm tính theo hiểu biết hiện tại tôi có thể nói sau khi bệnh nhân khỏi bệnh sẽ không lây trong cộng đồng".

Chính việc thực hiện nghiêm, đúng phác đồ, hướng dẫn từ cách ly, nhiễm soát nhiễm khuẩn đã mang lại hiệu quả rất tích cực, không bị lây nhiễm chéo trong môi trường y tế, điều này rất đáng ghi nhận và là kinh nghiệm cho các cơ sở điều trị khác khi có bệnh nhân nhiễm virus nCoV.

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đánh giá: "Trong phác đồ điều trị Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện nghiêm quy trình và phác đồ ngay từ khi tiếp nhận bệnh nhân, tiếp xúc người bệnh rồi thực hiện cách ly, thuyết phục điều trị hai bố con… Thực hiện nghiêm, đúng phác đồ và hướng dẫn từ cách ly đến kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy từ quá trình điều trị đó cho đến nay gần 1 tháng không có người thầy thuốc nào bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Từ kinh nghiệm điều trị của các cơ sở y tế, từ tuyến tỉnh cho đến Trung ương khi điều trị thành công những bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus nCoV cho thấy, việc quán triệt thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cũng như phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành cùng khuyến cáo từ Tổ chức Y tế thế giới - WHO đã cho thấy hiệu quả rất tích cực.

Và điều này là tín hiệu rất đáng mừng, ngoài việc cứu sống bệnh nhân thì đó còn là nguồn khích lệ vô cùng to lớn đội ngũ thầy thuốc tiếp tục ngày đêm nỗ lực hy sinh cứu chữa cho bệnh nhân. Một điều quan trọng nữa, qua các trường hợp khỏi bệnh, cho thấy ngành y tế kiểm soát tốt việc tránh lây nhiễm chéo virus nCoV trong môi trường bệnh viện.

"Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp nên không được chủ quan, cần phải đề cao, cảnh giác" - Thông tin do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành về phòng, chống dịch do virus corona gây ra diễn ra chiều 4/4.
TPHCM điều chỉnh kế hoạch dạy học do dịch bệnh nCoV - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa có hướng dẫn về việc điều chỉnh kế hoạch dạy học học kỳ 2 năm học 2019-2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Bình luận