Lebanon vốn đang phải hứng chịu khủng hoảng kinh tế dẫn đến nhiều hệ luỵ như thiếu nước sạch và bệnh viện quá tải. Nước này đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh tả đầu tiên vào đầu tháng 10/2022 sau 30 năm. Hiện con số ca mắc đã tăng lên ít nhất 220 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Lebanon là khu vực mới nhất bùng phát dịch tả từ đợt bùng phát đầu tiên ở Afghanistan vào tháng 6 - sau đó lan sang Pakistan, Iran, Iraq và Syria.
Tại Syria, hơn 13.000 trường hợp nghi ngờ đã được báo cáo, trong đó có 60 trường hợp tử vong, số liệu theo văn phòng của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Syria.
Bệnh tả thường lây lan qua nguồn nước sinh hoạt, thức ăn hoặc nước thải bị ô nhiễm. Bệnh có thể gây tiêu chảy nghiêm trọng và mất nước, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo Bộ trưởng Y tế Firass Abiad, hầu hết các trường hợp mắc bệnh tả ở Lebanon đều ở trong các trại tị nạn với khoảng 1 triệu người Syria tìm đến lánh nạn sau các cuộc xung đột tại quê nhà.
Ông Abiad cũng nêu ra nguyên nhân cho đợt bùng phát dịch tả còn vì cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 3 năm qua tại Lebanon. Nguồn nước chính tại đây vốn đã không đảm bảo an toàn vệ sinh, nhưng lại không thể xử lý nước do suy thoái kinh tế, nhiên liệu không đủ để vận hành các trạm cấp nước của chính phủ.
“Nguồn nước bị tù đọng trong các trại tập trung lại càng dễ ô nhiễm, còn tại các hộ gia đình, người dân cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước”, ông Abiad nói.
Ngày 14/10, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết đã bắt đầu cung cấp nước cho các trại tị nạn, lắp đặt các trạm rửa tay bằng nước khử trùng chứa clo và tổ chức các buổi học nâng cao nhận thức cho người tị nạn ở Lebanon.
Theo UNICEF, cơ quan này có khả năng đảm bảo nhiên liệu vận hành các trạm bơm nước ở phía bắc và ngăn nước thải chảy ra biển, nhưng cần nguồn tài chính trị giá 29 triệu USD để chi cho các hoạt động chống dịch tả trong vòng 3 tháng.