Điếc đột ngột - căn bệnh rất nhiều người vẫn còn chủ quan, lơ là

(VOH) – Điếc đột ngột là tình trạng điếc xảy ra 1 cách đột ngột và diễn tiến nhanh trong vài giờ đến vài ngày. Tình trạng này có thể trở thành điếc vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Điếc đột ngột là tình trạng mất thính giác đột ngột, diễn ra trong thời gian nhanh mà không giải thích được. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ điếc đột ngột nằm trong khoảng từ 5 – 10 ca/100.000 dân. Ước tính mỗi một năm trên thế giới sẽ có  khoảng 15.000 người có tình trạng điếc đột ngột và căn bệnh này đang có xu hướng tăng nhanh trong thời kỳ phát triển công nghiệp cũng như ở người trẻ tuổi.

Bệnh điếc đột ngột là gì?

Điếc đột ngột thường được hiểu là một bệnh cảnh điếc thần kinh giác quan xảy ra một cách đột ngột. Bệnh cảnh lâm sàng điển hình là sau một giấc ngủ buổi trưa hoặc tối bệnh nhân bị suy giảm sức nghe ở một bên hoặc hai bên tai. Bệnh nhân có thể chỉ bị nghe kém đơn thuần hoặc kèm theo các triệu chứng khác như: chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, ù tai, cảm giác đầy tai.

diec-dot-ngot-can-benh-rat-nhieu-nguoi-van-con-chu-quan-lo-la-voh

Điếc đột ngột có thể xảy ra bất ngờ từ vài giờ đến vài ngày (Nguồn: Internet)

Bệnh điếc đột ngột có thể diễn biến trong vòng vài giờ đến vài ngày. Mức độ điếc có thể từ nhẹ đến điếc nặng hoàn toàn. Đa phần phần bệnh nhân thường sẽ không nhớ rõ thời điểm khởi phát do các dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh thường khá mờ nhạt và không rõ ràng.

Điếc đột ngột do nguyên nhân nào gây ra?

Theo ThS, BS Trần Quý Ngọc (Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, BV Tai Mũi Họng SG), điếc đột ngột là một bệnh lý của tai, đồng thời cũng là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất rõ ràng cơ chế gây bệnh và chỉ thừa nhận 4 giả thuyết chính có thể là nguyên nhân gây điếc đột ngột, đó là:

  • Do mạch máu: Người bị thuyên tắc mạch, co mạch gây vỡ mạch máu có thể gây tổn thương các tế bào mạch máu cung cấp cho tai. Trường hợp này thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi có tình trạng cao huyết áp, xơ vữa mạch máu.
  • Do nhiễm virus.
  • Do chấn thương các cấu trúc bên trong tai.
  • Những nguyên nhân khác như: bệnh tự miễn, dị ứng do nhiễm độc tai từ việc dùng các loại thuốc điều trị ung thư hoặc nhiễm trùng nặng, uống bia rượu, hút thuốc lá...

Điếc đột ngột có chữa được không?

ThS, BS Trần Quý Ngọc cho biết, điếc đột ngột là một cấp cứu tai mũi họng, nếu không được điều trị sớm bệnh nhân điếc đột ngột sẽ bị nghe kém vĩnh viễn.

Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, bệnh điếc đột ngột nếu được chẩn đoán đúng và điều trị sớm ngay khi phát hiện điếc đột ngột sẽ góp phần rất lớn trong việc phục hồi thính giác của người bệnh, bệnh cạnh các yếu tố tiên lượng khác như tuổi tác, mức độ điếc cùng các bệnh lý kèm theo.

diec-dot-ngot-can-benh-rat-nhieu-nguoi-van-con-chu-quan-lo-la-1-voh

Khả năng phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào thời gian phát hiện và điều trị (Nguồn: Internet)

Do đó, thời gian phục hồi thính lực của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào “thời gian vàng” điều trị, thường nằm trong khoảng từ 1 – 7 ngày đầu tiên sau khi bệnh khởi phát. Khi được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời khả năng phục hồi của bệnh nhân có thể sẽ trở lại bình thường hoặc gần như bình thường.

Phòng ngừa điếc đột ngột bằng cách nào?

Do vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên việc phòng ngừa điếc đột ngột vẫn chưa được rõ ràng, cụ thể. Vì thế, việc phòng ngừa chủ yếu là phòng ngừa các yếu tố có thể xảy ra. Ví dụ như:

  • Phòng ngừa nhiễm siêu vi, nhất là vào mùa lạnh với các bệnh như cảm cúm, quai bị hoặc viêm đường hô hấp trên do virus gây ra...
  • Phòng ngừa các bệnh lý nội khoa như cao huyết áp, bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ.... Khi mắc bệnh cần phải được điều trị tích cực và điều trị đúng để kiểm soát tốt các bệnh lý.
  • Không nên sử dụng tai nghe headphone, tai nghe bluetooth thường xuyên. Khi sử dụng nên điều chỉnh âm lượng vừa đủ nghe.
  • Hạn chế dùng điện thoại di động thường xuyên ở một bên tai. 

Nhìn chung, điếc đột ngột là một bệnh lý cần được điều trị nhanh chóng khi phát hiện để giúp thính lực trở lại bình thường. Do đó, nếu có tình trạng điếc đột ngột bạn cần đến các bệnh viện chuyên khoa tai-mũi-họng để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Nhiễm siêu vi có thể dẫn đến điếc đột ngột ở trẻ em : Trẻ nhiễm siêu vi không điều trị triệt để có thể dẫn đến nguy cơ điếc đột ngột.
Ăn nhiều phô mai có thể giúp tăng cường thính lực : Các nhà khoa học tin rằng hợp chất hóa học D-methionine trong phô mai có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh điếc do tiếp xúc tiếng ồn, theo Daily Mail.