Chờ...

Đột quỵ não: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa

(VOH) – Đột quỵ là 1 trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Do đó, việc nắm rõ các kiến thức liên quan đến đột quỵ sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa được bệnh lý nguy hiểm này.

Đột quỵ được xem như một gánh nặng không chỉ bản thân người bệnh và gia đình mà còn là gánh nặng của xã hội. Bác sĩ Trần Trung Thành (Trường khoa Nội thần kinh, BV Nguyễn Tri Phương) cho biết, đột quỵ được chia thành 2 nhóm bệnh chính là: đột quỵ thuộc về bệnh lý tim mạch và đột quỵ thuộc về bệnh lý của não, trong đó nhóm bệnh lý đột quỵ não chính là dạng đột quỵ thường gặp nhất.

1. Đột quỵ não là gì? Chia làm mấy loại?

Đột quỵ não hay còn gọi là bệnh tai biến mạch máu não chính là bệnh lý đứng hàng thứ 3 (sau bệnh ung thư và tim mạch) trong số những bệnh lý gây tử vong và là nguyên nhân chính gây tàn phế cho người bệnh.

dot-quy-nao-nguyen-nhan-dau-hieu-nhan-biet-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-voh

Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế cho người bệnh (Nguồn: Internet)

Đột quỵ não được chia thành 2 loại:

  • Đột quỵ não do thiếu máu não cục bộ: Là tình trạng một mạch máu tại não bị xơ vữa, hẹp dần dẫn đến tắc tại chỗ, hoặc do cục máu đông hay các mảng xơ vữa di chuyển từ những nơi khác đến mạch máu và gây tắc.
  • Đột quỵ do xuất huyết não: Là tình trạng các mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp đột ngột, quá mức. Một số trường hợp là do mạch máu bị dị dạng hoặc bị phình ra và gây vỡ.

Theo bác sĩ Trung Thành, đột quỵ não do thiếu máu não hay do xuất huyết não đều nghiêm trọng như nhau và hậu quả cuối cùng chính là não bị tổn thương nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

2. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não

Theo bác sĩ Trung Thành, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ não và nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ thiếu máu cục bộ thường do:

  • Cao huyết áp.
  • Tiểu đường.
  • Có bệnh lý về tim mạch gây xơ vữa động mạch hoặc gây rối loạn mỡ máu.
  • Có các bệnh lý của mạch máu.
  • Lối sống không lành mạnh như: lười vận động, béo phì, ăn nhiều thức ăn chứa nhiều cholesterol, uống rượu bia....
  • Thường xuyên bị stress, căng thẳng thần kinh.

dot-quy-nao-nguyen-nhan-dau-hieu-nhan-biet-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-1-voh

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ não (nguồn: Internet)

Trong khi đó, nguyên nhân đột quỵ gây xuất huyết não là:

  • Có các bệnh lý về cao huyết áp.
  • Bệnh lý gây ra dị dạng mạch máu não.

3. Điều trị đột quỵ não như thế nào?

Bác sĩ Trần Trung Thành cho biết, hiện tại đối với tình trạng đột quỵ não phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào từng nhóm bệnh lý khác nhau để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

Thông thường, nếu đột quỵ do xuất huyết não mục đích việc điều trị chính là giúp bệnh nhân kiểm soát được huyết áp ở mức ổn định. Với điều trị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ thì điều quan trọng hàng đầu chính là khôi phục lại tuần hoàn não và biện pháp được áp dụng chủ yếu hiện nay là tiêu sợi huyết. Đây phương pháp khá hiệu quả trong điều trị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ, bởi nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn hoàn các khiếm khuyết về thần kinh. 

3.1 Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ 

Đối với tình trạng đột quỵ não do thiếu máu não cục bộ “thời gian vàng” được tính là 3 giờ kể từ khi có dấu hiệu bệnh, gần đây thời gian này đã được nâng lên 4.5 giờ. Nếu bệnh nhân được cấp cứu trong khoảng thời gian này thì khả năng cứu sống sẽ cao và di chứng để lại cũng nhẹ nhàng hơn.

dot-quy-nao-nguyen-nhan-dau-hieu-nhan-biet-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-2-voh

Đột quỵ não nếu được điều trị trong khoảng "thời gian vàng" khả năng chữa khỏi sẽ rất cao (Nguồn: Internet)

Như vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ chính là yếu tố quan trọng trong việc điều trị đột quỵ. Những dấu hiệu cảnh báo sớm chứng đột quỵ là:

  • Bệnh nhân đột ngột bị nói khó, nói đớ.
  • Một cánh tay hoặc một chân bị yếu hoặc là bị tê liệt.

Khi thấy bệnh nhân có những dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa đến những cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Lưu ý: Đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, sau khi điều trị ổn định bệnh nhân nên vận động càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đột quỵ do xuất huyết não nguyên nhân từ bệnh tăng huyết áp thì người bệnh cần chờ huyết áp ổn định trước khi thực hiện các vận động phục hồi sức khỏe. 

4. Phòng ngừa đột quỵ não bằng cách nào?

Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi cho nên mỗi người cần phải xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa đột quỵ bằng các thói quen có lợi cho sức khỏe, đồng thời hạn chế những thói quen xấu để tránh việc hình thành các yếu tố nguy cơ bên trong cơ thể.

Những thói quen xấu đối với cơ thể là:

  • Thói quen hút thuốc lá.
  • Ít vận động.
  • Lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
  • Chế độ ăn nhiều muối và nhiều chất béo có nguồn gốc từ động vật.

Những thói quen tốt, có lợi cho sức khỏe có thể kể đến như:

  • Thói quen tập thể dục đều đặn .
  • Chơi một môn thể thao thích hợp.
  • Có chế độ ăn nhiều trái cây, hoa quả xanh. Đồng thời hạn chế ăn muối và thức ăn nhiều chất béo từ động vật.
  • Giữ cân nặng thích hợp.
  • Tránh trạng thái căng thẳng kéo dài .
  • Điều quan trọng là cần phải tầm soát và điều trị tốt tất cả những bệnh lý có nguy cơ dẫn đến đột quỵ như bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường (đái tháo đường), tình trạng tăng cholesterol máu và một số bệnh lý về tim mạch .

Đối với  những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, cần phải có ý thức phòng ngừa tốt hơn và thực hiện tốt chế độ điều trị từ bác sĩ để ngăn chặn khả năng tái phát đột quỵ một cách thấp nhất.

Như vậy, đột quỵ là một dạng bệnh lý rất phổ biến đứng hàng thứ 3 trong nhóm các bệnh lý gây tử vong. Do đó, chúng ta cần phải có ý thức phòng ngừa đột quỵ cũng như nhận biết sớm những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ để có thể được điều trị sớm nhất có thể. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio dưới đây: