"Các thống kê cách đây khoảng 20 năm ở Hà Nội tỷ lệ mắc đái tháo đường là 1,4%, ở TPHCM là 2,5%. Năm 2012, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Còn nghiên cứu mới nhất cho thấy tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%. Tần suất mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh", GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết tại "Hội nghị khoa học về bệnh Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI, năm 2022".
Theo các chuyên gia, điều đáng báo động là đái tháo đường đang lặng lẽ đến với người Việt Nam, có những người mắc bệnh mà không hề hay biết. Đây chính là lý do khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, và trong số được chẩn đoán chỉ có chưa đến 30% số người được điều trị đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 - dưới 30 tuổi. Và nếu không được điều trị đúng cách, đường máu kiểm soát tốt... sẽ dẫn đến các biến chứng cấp và mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỷ lệ tử vong.
Xem thêm: Cảnh báo đột tử ở trẻ sơ sinh
Việc thay đổi lối sống là biện pháp cơ bản trong điều trị đái tháo đường, bao gồm: giáo dục tự chăm sóc, điều trị dinh dưỡng y học, hoạt động thể lực, ngưng thuốc lá và điều trị tâm lý. Điều trị dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng và cần thực hiện trong suốt quá trình điều trị đái tháo đường.
Theo Liên đoàn đái tháo đường Thế giới, ước tính trên thế giới có 463 triệu người trưởng thành trong độ tuổi 20-79 đang chung sống với bệnh đái tháo đường. Dự báo năm 2045 con số này sẽ là 629 triệu người, tương đương với cứ 10 người có 1 người bị đái tháo đường.