Theo đó, các trường hợp F0 đều được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, được cung cấp túi thuốc an sinh, được hỗ trợ tư vấn trong thời gian điều trị. Ngoài ra, F0 sẽ được cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế để tự theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Mời Qv cùng theo dõi bài viết
Có đến 80% bệnh nhân nhiễm COVID-19 được đánh giá là có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Các trường hợp này có thể theo dõi, điều trị tại nhà vừa giúp giảm tải cho các cở sở y tế vừa tiện cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày.
Chia sẻ từ BTV Bích Thảo, vừa vượt qua Covid 19 cách đây chưa lâu khi 3/4 thành viên gia đình đều là F0: "Phải chuẩn bị đầy đủ máy móc như máy đo oxy trong máu, máy đo huyết áp, nhiệt độ thì mình mới tự tin ở nhà, vừa giảm tải áp lực cho lực lượng y tế mà mình còn có thể dễ dàng lựa chọn thức ăn và được người nhà chăm sóc".
Một số loại thuốc cần có để điều trị F0 tại nhà.
Lo sợ là cảm giác đầu tiên của tất cả các F0 khi biết mình bị nhiễm bệnh.
Chị Trần Thị Phượng Liên ở Quận 8 TPHCM cũng vậy. Chỉ 15 ngày sau mũi tiêm vaccine đầu tiên chị phát hiện mình mắc Covid. Gạt đi những lo lắng đó chị tự điều trị ở nhà trong 3 tuần và đang dần hồi phục: "Đầu tiên là tâm lý mình phải vững, ráng ăn uống dù ăn không được, rất mệt nhưng phải cố. Tập thể dục đi qua đi lại và xông mỗi ngày 1 lần, mồ hôi ra mình đỡ rất nhiều. 3 ngày sau là khỏe".
Gia đình anh Trần Văn Bình ở quận Phú Nhuận, 4 người trong gia đình đều là F0 thì việc điều trị tại nhà là rất phù hợp. Anh và vợ có thể tự chăm sóc nhau và chăm sóc con cái và điều quan trọng là luôn nhận được sự hỗ trợ từ mọi người. Gia đình anh cũng đã xét nghiệm âm tính lần 1: "Mình chuẩn bị đồ dùng cần thiết và mình an tâm khi gọi cho y tế phường hay các số hotline để được giúp đỡ".
Khó khăn chung với các ca F0 khi mới phát hiện bệnh và được chỉ định điều trị tại nhà là không biết làm gì, uống thuốc gì, chăm sóc như thế nào để giảm nhẹ triệu chứng, tiến tới khỏi bệnh.
TS. BS Nguyễn Như Vinh, trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp BV ĐHYD TPHCM lưu ý, quan trọng nhất với người mắc Covid-19 vẫn là cần theo dõi chặt chẽ nồng độ oxy trong máu: "Hạn chế lay lan bằng cách ở phòng riêng, tolet riêng, ăn uống riêng. Thuốc hạ sốt, ho theo khuyến cáo của sở y tế và có máy đo nồng độ oxy dưới 94% là phải can thiệp y tế".
Bên cạnh đó thì khi điều trị tại nhà, người bệnh cũng gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý. Việc trấn an tâm lý cho bệnh nhân là hết sức cần thiết, nhất là với người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai. TS BS Đinh Thạc, Trưởng khu điều trị Bệnh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 3 chia sẻ thêm: "Cần động viên họ và lưu các số điện thoại cần thiết để có gì gọi ngay cho nhân viên y tế".
Điều trị ra sao, sinh hoạt thế nào và khi cần sự trợ giúp y tế thì sẽ liên hệ ở đâu. Đó là những lo lắng của bệnh nhân khi TPHCM triển khai thí điểm cách ly điều trị F0 tại nhà nhưng giờ đây nỗi lo đó đã dần vơi đi bởi sự chung tay hỗ trợ của địa phương cùng rất nhiều chương trình chăm sóc F0 tại nhà khắp TP.
Quận Phú Nhuận đã làm lễ ra mắt đội hình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh” gồm 52 y bác sĩ trong Hội Thầy thuốc trẻ TP và lực lượng phản ứng nhanh tại địa phương. Đội hình này sẽ cung cấp thuốc và các trang thiết bị y tế cần thiết cho việc điều trị F0 tại nhà. Bên cạnh đó, đội hình sẽ thực hiện kết nối trực tuyến theo dõi F0 tại nhà, kịp thời tư vấn nếu có diễn biến nặng hơn sẽ hướng dẫn bệnh nhân tới cơ quan y tế gần nhất để tiếp nhận và điều trị một cách nhanh nhất.
Phường 1 và phường 8, quận Tân Bình cũng đang triển khai mô hình trao "túi thuốc an sinh" để hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Trên mỗi túi thuốc sẽ kèm mã QR để bệnh nhân có thể quét mã và tham gia nhóm trên ứng dụng Zalo "Bác sĩ đồng hành cùng F0” của phường để được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Anh Ngô Nam Việt, bí thư phường 1, quận Tân Bình cho biết: "Mình mang thuốc đến từng nhà và đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên".
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều bác sĩ cũng đã tự thành lập các nhóm liên kết lại với nhau để hỗ trợ bệnh nhân. Như mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” khởi động từ ngày 1/8 đến nay, mạng lưới này đã có hơn 5.000 tình nguyện viên, chủ yếu là các y bác sĩ ở mọi miền. Đối tượng của mạng lưới là tìm những người cần hỗ trợ y tế khẩn cấp trong tình huống hiện nay là các F0 đang được chăm sóc tại nhà.
Chiến dịch tư vấn sức khỏe miễn phí do bác sĩ Đỗ Triều Hưng, Tổng Thư ký Liên Chi Hội Hành nghề y tư nhân TPHCM khởi xướng. Chỉ cần bấm số điện thoại bất kể ngày đêm sẽ được tư vấn kỹ càng các loại bệnh khác nhau không chỉ là các F0. Bác sĩ Đỗ Triều Hưng chia sẻ: "Các bác sĩ đóng góp cho người dân bằng cách tư vấn từ xa trước hết là tâm lý và sau đó giúp người dân khi cần cấp cứu".
Ngày 19/8, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và quận, huyện, Trung tâm y tế TP Thủ Đức và quận, huyện về việc xây dựng kế hoạch triển khai 400 trạm y tế lưu động và hướng tới 1.000 trạm thời gian tới. Trước mắt tiếp tục quản lý F0, hỗ trợ, tư vấn, điều trị F0 tại nhà, hỗ trợ chuyển đi cấp cứu. Mỗi trạm quản lý 50-100 F0 gồm tối thiểu 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 3 nhân viên không phải là y tế để hỗ trợ.
Có thể thấy, sau nhiều cuộc gọi tư vấn hướng dẫn, sau nhiều túi an sinh được phát đi trong thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã hiểu hơn cần phải làm gì để tự chăm sóc bản thân, gia đình mình khi là F0 trong đại dịch và họ cũng biết được rằng còn có rất nhiều cánh tay sẵn sàng hỗ trợ họ trong cuộc chiến này.
Nhà vẫn khép kín cửa, hẻm vẫn giăng dây, nhưng các F0 không hề đơn độc…trong cuộc chiến này.