1. Gây tê tủy sống là gì?
Có 3 lớp màng bao bọc tủy sống của bạn, theo thứ tự từ ngoài vào trong, chúng được gọi là màng cứng, màng nhện và màng mềm. Gây tê tủy sống là một thủ thuật vô cảm mà trong đó bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê hay thuốc giảm đau vào khoang nằm giữa màng nhện và màng mềm của cột sống.
Gây tê tủy sống giúp giảm cảm giác đau trong lúc thực hiện phẫu thuật (Nguồn: Internet)
Thuốc tê sẽ có tác dụng gây tê liệt dẫn truyền thần kinh từ vùng tủy sống để làm giảm đau ở các khu vực nhất định của cơ thể. Gây tê tủy sống có thể được sử dụng đơn độc trong khi bạn hoàn toàn tỉnh táo hoặc có thể dùng chung với thuốc an thần và thuốc gây mê toàn thân. Gây tê tủy sống cũng có thể được sử dụng sau khi phẫu thuật để giảm đau một cách hiệu quả.
2. Gây tê tủy sống được chỉ định khi nào?
Hầu như bất kỳ phẫu thuật bộ phận nào tại vùng bên dưới thắt lưng đều phù hợp với thủ thuật gây tê cột sống. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ gây mê sẽ phân tích và tư vấn họ nên chọn biện pháp nào sẽ phù hợp nhất.
Gây tê tủy sống thường được sử dụng cho các trường hợp sau:
- Phẫu thuật chỉnh hình khớp xương hoặc xương cẳng chân.
- Chỉnh sửa thoát vị bẹn, giãn tĩnh mạch, phẫu thuật cắt trĩ.
- Phẫu thuật các mạch máu ở chân.
- Điều trị sa tử cung (là tình trạng tử cung nữ giới bị sa xuống âm đạo do sự yếu đi của các dây chằng và cơ vùng sàn chậu) và một số loại phẫu thuật khác ở tử cung.
- Mổ lấy thai.
- Phẫu thuật tuyến tiền liệt, phẫu thuật bàng quang, phẫu thuật bộ phận sinh dục.
3. Chống chỉ định gây tê tủy sống trong trường hợp nào ?
Những trường hợp sau cần chống chỉ định thực hiện phương pháp gây tê tủy sống:
- Bị bệnh rối loạn đông máu.
- Bệnh nhân không đồng ý thực hiện phương pháp.
- Đang sử dụng thuốc chống đông máu heparin, aspirin,...
- Dị ứng với thuốc gây tê.
- Áp lực nội sọ tăng.
- Vùng da chọc dò bị nhiễm trùng.
- Bi mắc các bệnh tim mạch như suy tim nặng, hở van động mạch, hẹp khít van 2 lá.
- Bị động kinh và mắc bệnh tâm thần.
- Thể tích tuần hoàn bị suy giảm chưa được bù đủ lại khối lượng tuần hoàn.
4. Gây tê tủy sống có đau không?
Gây tê tủy sống là một biện pháp có thể dùng cho các phẫu thuật từ vùng thắt lưng trở xuống. Một cây kim sẽ được đặt vào trong cột sống và truyền thuốc tê vào, bạn sẽ chẳng cảm thấy đau đớn gì trong thời gian thực hiện phẫu thuật.
Cảm giác đau phần lớn xuất hiện sau ca phẫu thuật, cơn đau có thể xuất hiện tại vết mổ. Việc đau ít hay đau nhiều cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa của mỗi người, tay nghề của người thực hiện ca phẫu thuật.
5. Lợi ích của việc gây tê tủy sống trong phẫu thuật
Những lợi ích của việc gây tê tủy sống nhận được khi thực hiện các phương pháp gây tê so với gây tê toàn thân là:
- Giúp giảm đau so với gây tê, tác dụng của giảm đau của việc gây tê tủy sống kéo dài lâu hơn sau khi phẫu thuật và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu sau khi phẫu thuật,
- Giúp hạn chế các biến chứng của việc gây mê.
- Chi phí rẻ hơn so với gây tê toàn thân.
- Làm cho bệnh nhân luôn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật, để bệnh nhân có thể biết được cơ thể có gì bất thường không và báo ngay cho bác sĩ gây mê.
6. Tác dụng phụ của gây tê tủy sống
Hiểu rõ tác dụng phụ của gây tê tủy sống có thể giúp bạn kiểm soát được tình trạng và xử lý kịp thời. Dưới đây là những tác hại của gây tê tủy sống bạn có thể gặp:
6.1 Nhiễm trùng
Việc không áp dụng nguyên tắc vô trùng tuyệt đối có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng như nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng màng não…
6.2 Buồn nôn và nôn
Thông thường do tụt huyết áp gây thiếu dưỡng khí não, do thay đổi áp lực nội sọ hoặc tác dụng phụ của thuốc tê.
6.3 Bí tiểu
Do tác dụng phụ của thuốc tê làm tăng trương lực cơ thắt cổ bàng quang. Cách xử lý là chườm nóng, dùng thuốc trị bí tiểu hoặc đặt ống thông tiểu.
6.4 Nhức đầu
Tác dụng phụ của gây tê tủy sống có thể gây nhức đầu sau khoảng 1 - 2 ngày. Do kim chọc thủng màng cứng và màng nhện, gây thoát dịch não tủy khiến nhức đầu.
Gây tê tủy sống dùng phổ biến trong các ca sinh mổ lấy con (Nguồn: Internet)
6.5 Đau vùng chọc kim
Do trong quá trình thực hiện thủ thuật có thể vô tình làm tổn thương dây chằng hoặc mô dưới da nên gây ra cảm giác đau.
6.6 Hệ hô hấp
Tác dụng phụ của gây tê tủy sống có thể gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp qua các triệu chứng như giảm thở hoặc ngừng thở. Cách xử lý là cho bệnh nhân thở oxy, đặt khí quản hoặc thông khí nhân tạo.
6.7 Hạ huyết áp
Đây là vấn đề thường gặp sau khi gây tê tủy sống. Do ức chế thần kinh giao cảm gây giãn mạch ngoại vi, máu bị giữ lại gây thiếu khối lượng tuần hoàn tương đối và giảm cung lượng tim.
6.8 Tê liệt toàn bộ
Đây là biến chứng nặng do bơm nhiều thuốc tê vào tủy sống hoặc thuốc tê liều cao. Các triệu chứng có thể gồm liệt toàn thân, ngừng thở, hạ huyết áp nặng và mất tri giác.
6.9 Hệ thần kinh
Tác dụng phụ của gây tê tủy sống gây tổn thương lên hệ thần kinh như tổn thương rễ thần kinh, đau đầu hoặc đau lưng. Điều này có thể do kim chứa thuốc tê chọc vào tổ chức thần kinh hoặc do các chất thuốc tiêm vào dịch não tủy gây ảnh hưởng.
Các tổn thương này có thể tự phục hồi sau một khoảng thời gian hoặc có thể tổn thương vĩnh viễn nếu không được theo dõi điều trị.
7. Những lưu ý cần biết trước khi thực hiện gây tê tủy sống
Khi thực hiện phương pháp gây tê tủy sống, để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này thì bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Nếu bạn uống rượu trước khi thực hiện phương pháp gây tê tủy sống thì sẽ làm giảm hiệu quả, tác dụng của thuốc, vì thế 24h trước phẫu thuật thì bệnh nhân tuyệt đối không nên uống rượu.
- Cần phải nhịn ăn tầm từ 6 - 8 tiếng trước giờ phẫu thuật để tránh bị nôn mửa khi gây tê tủy sống.
- Bệnh nhân cần bỏ thuốc lá khoảng 6 tuần trước khi phẫu thuật để phổi, tim được hoạt động tốt.
- Hiện tại bệnh nhân đang sử dụng thuốc gì trước khi phẫu thuật thì cần phải liệt kê mọi thứ ra hết để cho bác sĩ kiểm tra, đặc biệt là các loại thuốc chống đông máu, tim mạch. Và khi có xảy ra tình trạng dị ứng thuốc hay phản ứng phụ nào đó thì cần phải báo ngay cho bác sĩ gây mê.
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng tác dụng phụ của gây tê tủy sống là rất nhiều, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, việc xác định có áp dụng gây tê tủy sống hay không nên được bác sĩ chỉ định, bên cạnh đó bạn cũng không nên lạm dụng phương pháp này đối với nhiều ca phẫu thuật của mình.