Chờ...

Gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý gì khi nuôi thú cưng?

VOH - Thú cưng có thể mang lại nhiều niềm vui, nhất là với các gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần nhớ một số quy tắc an toàn để các con vật này không ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc nuôi thú cưng có thể giúp trẻ trau dồi thêm nhiều kỹ năng xã hội tích cực. Nhưng, có một số quy tắc quan trọng về sức khỏe và an toàn cần nhớ khi nuôi thú cưng. Cả trẻ em và thú cưng sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn nếu chúng biết và hiểu các quy tắc này. 

Đối với các gia đình chuẩn bị chào đón trẻ sơ sinh

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan - Trưởng Khoa Thú y - Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết, trong gia đình nuôi thú cưng có phụ nữ mang thai cần chú ý, vệ sinh chất thải, lông thú cưng, đề phòng nội và ngoại ký sinh trùng, tiêm phòng đầy đủ vaccine định kỳ, cần nuôi nơi thông thoáng và cách nơi ở của phụ nữ có thai càng tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan - Trưởng Khoa Thú y - Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH)

Dù thú cưng là người bạn thân thiện nhưng Tiến sĩ Loan vẫn lưu ý thêm, phụ nữ có thai – dễ bị nhạy cảm với các yếu tố gây dị ứng như lông chó mèo, mùi của chó mèo. Ngoài ra, có một số bệnh từ thú cưng gây sảy thai như Leptospirosis, Brucella canis…

Do đó, mũi tiêm cần thiết cho chó, mèo để hạn chế lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho phụ nữ có thai và trẻ em là vaccine Rabisin và Leptospirosis.

Xem thêm: Tiêm phòng bệnh dại và truyền nhiễm cho chó, mèo là việc rất cấp thiết để bảo vệ sức khỏe người nuôi

Đối với các gia đình có trẻ nhỏ

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan khuyến cáo, với gia đình có trẻ nhỏ dưới 4 tuổi hay chơi, bò trườn và tiếp xúc gần với thú cưng thì cần chú ý tẩy giun, phòng ve, bọ chét định kỳ ngoài việc tiêm phòng vaccine cho thú cưng.

Ngoài ra, cần thường xuyên tắm cho vật nuôi, lau dọn sàn nhà thường xuyên bằng nước lau nhà nơi thú cưng hay chạy qua lại. Nếu được, nên hạn chế việc tiếp xúc gần giữa trẻ em và thú cưng vì sức đề kháng của trẻ em còn kém.

Theo Tiến sĩ Loan, dù nhiều giống chó, mèo đã thuần chủng nhưng bản năng hoang dã vẫn còn khi chúng cảm thấy bị căng thẳng, chẳng hạn như khi trẻ con nắm đuôi hay làm chúng khó chịu, thú cưng có thể quay lại tấn công bé.

Do đó, cha mẹ cần dạy cho trẻ cách tiếp xúc gần gũi với thú cưng một cách phù hợp với sự nhẹ nhàng và tôn trọng. Không bao giờ để trẻ nhỏ một mình với thú cưng vì tai nạn có thể xảy ra khi trẻ trêu chọc thú cưng.

Ngoài ra, một trong những điều cần thiết là huấn luyện thú cưng theo lệnh, cho chúng có một nơi yên tĩnh và thoải mái để đi lại.

Và đặc biệt, không để thú cưng ngủ cùng trẻ em hay đi lang thang một mình trong phòng của em bé; Không cho phép thú cưng liếm mặt hoặc gây ra bất kỳ vết trầy xước nào cho bé.

Một vài lưu ý khi chọn nuôi thú cưng

Khi quyết định nuôi thú cưng, các gia đình cần chú ý một số điều sau:

  • Hãy xem xét kích thước trưởng thành cuối cùng của thú cưng khi quyết định nuôi bất cứ con vật nào. Đừng quên rằng chúng sẽ phát triển và to lớn hơn mức bạn có thể xử lý (trong trường hợp chúng phản ứng hung dữ).
  • Hãy chắc chắn rằng thú cưng ban đầu khỏe mạnh, được khám bác sĩ thú y đều đặn và được tiêm chủng đầy đủ.
  • Nên thiến con mèo hoặc con chó mà bạn nhận nuôi.
  • Theo dõi sự tiếp xúc của thú cưng với các động vật khác (có thể mang bệnh) và đưa chúng đến bác sĩ thú y nếu chúng có triệu chứng bệnh tật.