Ngày 21/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết từ đầu năm đến ngày 21/3, Thành phố ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 có 4 ca).
Số ca mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).
Bệnh nhân thủy đậu được ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số quận, huyện có số ca mắc cao như Chương Mỹ (230 ca), Mê Linh (69), Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).
Theo Cục Y tế dự phòng, thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra, tồn tại trong không khí.
Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan. CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc thủy đậu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường...
Đối với trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, rất dễ mắc thủy đậu. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín.
Bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, ăn thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày.