Cơ quan chức năng đã khoanh vùng, phun khử khuẩn môi trường khu vực xung quanh nhà ở bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Bình Dương đang truy vết những người tiếp xúc để theo dõi, xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng.
Xem thêm: Đậu mùa khỉ được Bộ Y tế xếp vào nhóm B các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Trước đó, bạn trai của cô gái trên, cũng được CDC Đồng Nai ghi nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 24/9 - và là ca đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận tại Đồng Nai, là ca thứ ba ở Việt Nam, kể từ khi bệnh này xuất hiện hai năm nay.
Theo đại diện CDC Đồng Nai, bệnh nhân nam hiện chưa xác định được nguồn lây. Điều tra dịch tễ cho thấy, nam thanh niên khởi phát bệnh ngày 17/9 với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục; điều trị tại phòng khám tư, bệnh không giảm.
Ngày 22/9, bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám, hết sốt nhưng nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục.
Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bệnh viện Da liễu TPHCM lấy mẫu gửi Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm, kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Anh này đang được cách ly, điều trị tại TPHCM.
Bệnh nhân nam làm nghề kinh doanh tự do, thường xuyên tiếp xúc nhiều người nhưng không có người nước ngoài. Ngày 2/9, anh về nhà tại huyện Xuân Lộc và tiếp xúc với 4 người trong nhà. Ngày 16/9, anh tiếp xúc với bạn gái trên, sau đó cô cũng có triệu chứng phát ban dạng mụn mủ.
Như vậy, cô gái là ca đậu mùa khỉ thứ 4 tại Việt Nam và là ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên.
CDC Đồng Nai đang phối hợp CDC Bình Dương và TPHCM điều tra yếu tố dịch tễ, lịch sử tiếp xúc của hai bệnh nhân từ 21 ngày trước khi khởi phát đến nay để có hướng xử lý, dập dịch.
Đợt dịch đậu mùa khỉ bùng phát vào tháng 5/2022, xuất hiện tại những nước chưa từng có virus lưu hành trước đây như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Bỉ, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha...
Đến nay tổng số ca nhiễm toàn thế giới là hơn 90.000, chủ yếu là nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ là 0-11% và cao hơn ở trẻ nhỏ.
Ngày 23/7/2022, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh là phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu gồm sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược. Thời gian ủ bệnh 5-21 ngày.