Ho ra máu tươi hay ho ra máu có đờm là triệu chứng phổ biến của những bệnh lý về đường hô hấp. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
1. Ho ra máu là bị gì?
Có rất nhiều tình trạng bệnh lý có thể khiến bạn bị ho ra máu. Một số nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất là:
Có nhiều nguyên nhân gây ho ra máu (Nguồn: Internet)
- Kích thích họng do ho quá nhiều, tình trạng này thường do hút thuốc lá.
- Viêm phế quản.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có 2 loại là viêm phế quản mạn tính hoặc khí phế thũng.
- Viêm phổi.
Các nguyên nhân khác gây ho ra máu bao gồm:
- Giãn phế quản.
- Ung thư phổi.
- Lạm dụng thuốc chống đông máu.
- Thuyên tắc động mạch phổi.
- Suy tim sung huyết.
- Bệnh lao.
- Các bệnh tự miễn.
- Dị dạng động tĩnh mạch phổi.
- Sử dụng ma túy.
- Chấn thương do tai nạn.
- Bệnh Dieulafoy.
- Chảy máu cam nặng hoặc nôn mửa nhiều.
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây ho ra máu, có thể liên quan đến các bệnh lý ở phổi hoặc đường hô hấp trên.
2. Ho ra máu có nguy hiểm không?
Ho ra máu tươi có tính chất ồ ạt, máu tuôn ra đột ngột với số lượng lớn không cầm được sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ huyết đông, dễ gây trụy tuần hoàn. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, hạ huyết áp, suy hô hấp cấp. Trường hợp này tương đối nguy hiểm, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra.
Nếu ho ra máu có đờm hoặc không ho nhưng khạc ra máu ít thì bạn không nên quá lo lắng, có thể nằm nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Theo dõi tại nhà, nếu tình trạng không thuyên giảm thì hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám.
3. Xử lý khi bị ho ra máu
Tùy vào tình trạng ho ra máu nặng hay nhẹ, nguyên nhân gây ho ra máu mà có cách xử lý khác nhau, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà hoặc nhập viện theo dõi.
3.1 Ho ra máu nhẹ
Khi lượng máu ho ra dưới 50ml/ngày, máu ho ra chỉ thành vệt, lẫn trong chất khạc hoặc chỉ ho ra vài ngụm máu nhỏ thì bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các loại thuốc an thần cầm máu, giảm ho,…Đồng thời, ăn cháo loãng, uống sữa hoặc ăn súp,…Bệnh nhân không ăn các thức ăn khó tiêu, không uống các đồ uống có chứa chất cồn hoặc chất kích thích.
Sau khi cầm được máu và ổn định lại thì hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám, xác định nguyên nhân gây ho ra máu để điều trị triệt để.
3.2 Ho ra máu trung bình
Lượng máu ho ra từ 50 – 200ml/ngày. Bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện.
3.3 Ho ra máu nặng
Khi lượng máu ho ra trên 200ml/ngày thì cần điều trị và theo dõi tại bệnh viện. Trường hợp mất máu nhiều, cần thiết phải truyền máu.
4. Biện pháp phòng tránh ho ra máu
Ho ra máu là một tình trạng bệnh lý đáng lo của cơ thể, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vì vậy, bạn cần có biện pháp phòng ngừa hợp lý bằng cách:
Hãy từ bỏ thuốc lá để phòng ngừa bị ho ra máu (Nguồn: Internet)
- Không hút thuốc lá.
- Điều trị huyết áp đúng cách.
- Điều trị triệt để các bệnh về hô hấp như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản,…
- Khi mắc bệnh ho kéo dài cần đến gặp bác sĩ để điều trị đúng cách, không cố gắng ho quá nhiều.
- Trong chế độ ăn uống, nên bổ sung các loại thực phẩm có tính chất thanh nhiệt, ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung lượng vitamin thiếu hụt.