Quả tim của chúng ta luôn đập đều đặn, đồng bộ với tần suất trung bình từ 60 – 80 nhịp/phút, để đảm bảo cho dòng máu có thể chảy xuyên suốt đi nuôi cơ thể. Điều này được thực hiện bởi một hệ thống phát xung động (tín hiệu) và hệ thống dẫn truyền các tín hiệu tới toàn bộ quả tim.
Khi hệ thống dẫn truyền gặp trục trặc, sẽ dẫn đến sự lệch lạc đối với các tín hiệu di chuyển trong tế bào cơ tim và khiến cho tim đập loạn nhịp, gây ra hội chứng WPW.
1. Hội chứng WPW (Wolff-Parkinson-White) là gì?
Hội chứng WPW (Wolff-Parkinson-White) hay còn gọi là hội chứng tiền kích thích, là một hội chứng đặc trưng bởi những cơn loạn nhịp tim do sự hiện diện của một con đường điện phụ bất thường trong tim dẫn đến thời gian của một nhịp tim đập rất nhanh (nhịp tim nhanh).
Bình thường, quả tim đập theo nhịp được tạo ra do các xung động điện thế phát ra từ nút xoang (gần tĩnh mạch chủ trên). Các xung động này đi theo hướng xuống dưới, ra trước, từ phải sang trái, từ tâm nhĩ (phía trên) qua nút tâm nhĩ, xuống tâm thất (phía dưới) để kích thích cơ tim co bóp.
Tuy nhiên, nếu bị hội chứng WPW, xung động điện thế sẽ không đi theo con đường chính mà “đi tắt” qua con đường phụ (tồn tại bẩm sinh, không có hoặc không hoạt động ở người bình thường) để đi xuống tâm thất. Vì xung động “đi tắt” nên xuống tâm thất nhanh hơn xung động đi theo con đường chính, do đó các xung động này có thể kích thích quả tim đập theo nhịp đập bất thường và gây nên những cơn loạn nhịp tim.
Hầu hết mọi người đều có thể gặp phải hội chứng WPW, nhưng thường gặp nhiều nhất là các đối tượng ở độ tuổi thanh thiếu niên. Và khoảng 10 đến 30% những người bị hội chứng WPW có hiện tượng rung tâm nhĩ.
2. Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết hội chứng WPW
Các triệu chứng của hội chứng WPW thường xuất hiện sớm ở những người tuổi thiếu niên hay 20 tuổi với những cơn loạn nhịp tim nhanh điển hình. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận thấy một số dấu hiệu và triệu chứng thông thường của hội chứng này, bao gồm:
- Cảm giác tim đập nhanh, đánh trống ngực và rung.
- Chóng mặt.
- Hoa mắt.
- Ngất xỉu bất ngờ.
- Dễ dàng mệt mỏi khi tập thể dục.
- Lo lắng.
Người bị hội chứng WPW thường gặp phải tình trạng tim đập nhanh bất ngờ (Nguồn: Internet)
Tình trạng tim đập nhanh có thể xuất hiện đột ngột và kéo dài trong vài giây hoặc vài giờ. Có thể xảy ra khi bạn đang tập thể dục hoặc khi nghỉ ngơi, khi sử dụng rượu, bia hay các chất có chứa caffeine. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bị hội chứng WPW có thể gặp phải các triệu chứng:
- Đau ngực.
- Tức ngực.
- Khó thở.
- Đột tử.
Với trẻ sơ sinh, các triệu chứng của hội chứng WPW có thể là:
- Khó thở.
- Bé không khóc hoặc hoạt động.
- Ăn kém/bú kém.
- Tim đập nhanh, có thể nhìn thấy trên ngực.
Ngoài ra, có một số trường hợp bị hội chứng WPW nhưng không có dấu hiệu lâm sàng, được gọi là WPW kiểu mẫu. Những trường hợp này chỉ được phát hiện khi bạn tình cờ kiểm tra tim vì những lý lo khác.
3. Nguyên nhân nào gây ra hội chứng WPW?
Nguyên nhân gây ra hội chứng WPW được cho là do các bất thường về gen. Hội chứng này cũng có thể có liên quan đến một số dạng bệnh tim bẩm sinh, chẳng hạn như bất thường Ebstein.
Mặt khác, các bác sĩ hiện vẫn chưa thể làm rõ vì sao đường dẫn điện phụ được hình thành. Bởi việc xuất hiện đường dẫn điện này có thể gây ra 2 rối loạn nhịp điệu chính, đó là:
- Các xung điện lõm: Trong hội chứng WPW, các xung điện của tim đi xuống theo đường bình thường hoặc đi lên theo đường khác và tạo ra một vòng điện tín hiệu hoàn toàn. Tình trạng này (nhịp tim nhanh vào lại nhĩ thất) sẽ gửi xung động tới các tâm thất với tốc độ rất nhanh. Kết quả là các tâm thất bơm rất nhanh, gây ra nhịp tim nhanh.
- Các xung điện bị phá hoại: Nếu xung điện không bắt đầu đúng tại tâm nhĩ phải, chúng có thể di chuyển qua các tâm nhĩ theo cách bất thường, gây ra rung nhĩ. Khi các tín hiệu không được tổ chức cộng với đường dẫn phụ của hội chứng WPW sẽ làm cho tâm thất đập nhanh hơn, kết quả là tâm thất không có thời gian để truyền máu và không bơm đủ máu cho cơ thể.
4. Hội chứng WPW có nguy hiểm không?
Hội chứng WPW không gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều người, nhưng vẫn có thể xảy ra biến chứng. Nếu rối loạn này không được chữa trị, và nếu có các vấn đề khác về tim, bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với các biến chứng như:
- Đột tử.
- Huyết áp thấp (hạ huyết áp).
- Suy tim do tim không có khả năng bơm đủ máu.
- Thường xuyên ngất xỉu.
5. Chẩn đoán và điều trị hội chứng WPW
Bác sĩ sẽ chẩn đoán hội chứng chứng WPW thông qua những thông tin thu thập được từ việc khám bệnh và một kỹ thuật y tế chuyên môn như:
- Thực hiện điện tâm đồ (ECG).
- Xét nghiệm điện sinh lý.
Có thể xác định hội chứng WPW thông qua điện tâm đồ (Nguồn: Internet)
Sau khi phát hiện bệnh lý, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị. Mục tiêu điều trị cho hội chứng WPW là giúp làm chậm nhịp tim nhanh khi nó xảy ra và ngăn chặn các cơn rối loạn nhịp tim xuất hiện trong tương lai. Đồng thời giúp điều trị triệt căn hội chứng này.
Các phương pháp có thể được áp dụng là:
- Thao tác phế vị (phương pháp cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ).
- Dùng thuốc chống loạn nhịp tim.
- Sốc điện nếu có rung thất.
- Đốt các đường dẫn truyền phụ bằng sóng radio.
- Những trường hợp đặt biệt có thể thực hiện phẫu thuật.
Khi đã được đốt hoặc cắt các đường dẫn truyền phụ thì hội chứng WPW xem như đã được điều trị triệt căn.
Trong trường hợp bệnh nhân có hội chứng WPW trên điện tim nhưng không có cơn rối loạn nhịp tim thì không cần phải điều trị, nhưng cần phải thăm khám, theo dõi và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Nhìn chung, hội chứng WPW có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện kịp thời. Vì thế, nếu nhận thấy cơ thể có những biểu hiện như trên, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.