Suy tim là gì, có nguy hiểm đến tính mạng không?

(VOH) - Suy tim thường là diễn biến sau cùng của các bệnh tim mạch, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn sớm nhận biết để điều trị kịp thời căn bệnh này.

1. Suy tim là gì?

Suy tim thường được dùng để chỉ suy tim mãn, là bệnh xảy ra khi tim mất khả năng bơm máu hiệu quả để duy trì dòng máu đáp ứng các nhu cầu của cơ thể. Thuật ngữ suy tim sung huyết thường được dùng với ý nghĩa tương tự suy tim mãn.

suy-tim-la-gi-co-nguy-hiem-den-tinh-mang-khong-voh-1

Suy tim là trạng thái bệnh lý trong đó cơ tim giảm khả năng cung cấp máu theo nhu cầu cơ thể (Nguồn: Internet)

Ở những người bị suy tim, máu vận chuyển khắp cơ thể và qua tim chậm hơn so với người bình thường. Nguyên nhân là khi số lượng máu cung cấp không đủ, các buồng tim có thể đáp ứng bằng cách giãn ra để giữ được nhiều máu. Điều này có thể giúp đỡ để máu được vận chuyển liên tục trong hệ tuần hoàn, nhưng cuối cùng cơ tim sẽ bị suy yếu và không thể làm việc một cách hiệu quả. Kết quả là thận có thể phản ứng lại bằng cách giữ lại muối và các chất dịch trong cơ thể. Chất dịch bị ứ đọng trong các bộ phận của cơ thể gây ra sung huyết.

Có nhiều cách phân loại suy tim như:

  • Theo vùng tim bị ảnh hưởng thì có suy tim trái, suy tim phải.
  • Theo sự bất thường do co thắt hay giãn nở của tim thì có suy tim tâm thu và suy tim tâm trương.

Nguyên nhân chính gây suy tim có thể bao gồm các bệnh lý tại cơ tim như bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhiễm độc cơ tim, tổn thương qua viêm hay miễn dịch, bệnh do tăng tải như tăng huyết áp, bệnh van tim, khiếm khuyết cấu trúc cơ tim, bệnh màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim (nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm)…

2. Biểu hiện của bệnh suy tim

Người bệnh có thể nhận biết cơn suy tim qua các dấu hiệu sau:

  • Khó thở khi hoạt động hoặc nghỉ ngơi.
  • Cơn khó thở kịch phát về đêm.
  • Mệt, yếu sức, hồi phục chậm sau gắng sức.
  • Phù chân, báng bụng (sự tích tụ dịch trong khoang màng bụng).
  • Có thể ho vào ban đêm.
  • Tức ngực.

Để chẩn đoán bệnh suy tim, ngoài những triệu chứng lâm sàng trên thì bác sĩ có thể tiên lượng và theo dõi suy tim qua xét nghiệm điện tâm đồ, X-quang ngực, siêu âm tim qua thành bụng, ảnh cộng hưởng từ, chụp động mạch vành qua thông tim.

Hiện nay chẩn đoán suy tim có phần dễ hơn nhờ áp dụng phổ biến siêu âm tim và đo chất chỉ điểm sinh học. Ảnh cộng hưởng từ hiệu quả trong phát hiện nguyên nhân suy tim như viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh và cả bệnh tim thiếu máu cục bộ.

3. Bệnh suy tim có nguy hiểm không?

Trên thực tế, người ta chia mức độ suy tim thành 4 cấp độ như:

  • Suy tim độ 1: Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hoặc hồi hộp.
  • Suy tim độ 2: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, vận động thể lực thông thường (như lên cầu thang) làm mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.
  • Suy tim độ 3: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, nhưng vận động thể lực nhẹ cũng làm mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.
  • Suy tim độ 4: Mất khả năng vận động thể lực, triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra cả khi nghỉ, vận động dù nhẹ đều làm tăng triệu chứng.

Thông thường, suy tim độ 1 chưa nguy hiểm và ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu không điều trị, theo thời gian, chức năng tim ngày càng suy yếu, suy tim cấp độ 1 dễ dàng tiến triển sang giai đoạn 2, 3 và 4. Khi đó, sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể gây nhiều biến chứng như phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, suy gan, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…

4. Bệnh suy tim có chữa được không?

Mặc dù có nguy hiểm nhưng nếu bệnh suy tim được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể khỏi bệnh hoàn toàn trong một số trường hợp. Điều trị bằng thuốc, can thiệp nội mạch hoặc đặt thiết bị trợ tim, bệnh sẽ được kiểm soát trong nhiều năm.

Phương pháp phẫu thuật tim hoặc ghép tim được chỉ định với những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, khi không còn phương pháp trị liệu nào khác.

suy-tim-la-gi-co-nguy-hiem-den-tinh-mang-khong-voh-1

Bảo vệ trái tim bằng cách tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ và thay đổi lối sống một cách lành mạnh (Nguồn: Internet)

Kết hợp các phương pháp điều trị cùng với sự thay đổi về lối sống sao cho lành mạnh và kiểm soát căng thẳng tốt thì bệnh sẽ được cải thiện đáng kể, ngay cả khi cơ tim bị suy yếu.

Người bệnh suy tim cần thay đổi lối sống bằng cách:

  • Không hút thuốc.
  • Hạn chế uống thức uống có cồn và cafein.
  • Giảm lượng muối trong bữa ăn.
  • Tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn (đóng gói) và hạn chế dầu mỡ,…để ổn định huyết áp, đường huyết và tăng cường sức khỏe tim mạch.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường nếu đang mắc phải căn bệnh này.

Lưu ý: Bệnh nhân cần phải tuyệt đối tuân thủ điều trị, uống đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian. Không tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc, ngay cả khi thấy triệu chứng không còn. Mọi thay đổi về việc điều trị cần phải theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.