Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bị đau ngực là bệnh gì và cách khắc phục tình trạng bệnh kịp thời?

(VOH) - Các chuyên gia khuyên mọi người không nên chủ quan với tình trạng đau ngực, bởi nó có thể là dấu hiệu nhận biết các bệnh lý bên trong. Vậy đau ngực là bệnh gì, có thật sự nguy hiểm hay không?

Đau ngực là cảm giác bóp nghẹt hoặc nóng rát ở ngực. Trong một số trường hợp, cơn đau lan lên cổ, hàm, sau lưng và một hoặc cả 2 tay.

1. Đau ngực là bệnh gì?

Thực tế, đau ngực thường khiến mọi người lo sợ và nghĩ ngay đến các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim. Vậy đau thắt ngực thực chất là do bệnh gì gây ra?

dau-nguc-la-dau-hieu-benh-gi-voh

Đau ngực là dấu hiệu bệnh gì? (Nguồn: Internet)

Các chuyên gia cho biết, bất cứ cơ quan nào trong lồng ngực như tim, phổi, động mạch, thành ngực hay mô mềm,…bị tổn thương đều có thể dẫn đến các cơn đau ngực. Tùy theo bệnh lý mà đặc điểm cơn đau ngực sẽ khác nhau. Theo đó, tình trạng đau ngực có thể xuất phát từ những bệnh lý sau đây:

1.1 Đau ngực liên quan đến các bệnh lý tim mạch

Đặc điểm của cơn đau ngực do bệnh lý tim mạch thường là đau nhói hoặc đau âm ỉ ở vùng ngực, đôi khi có cảm giác nóng rát hoặc đau thắt ngực. Cơn đau ngực do bệnh tim có thể lan lên cổ, hàm, lan ra phía sau lưng hoặc lan xuống một/cả hai cánh tay. Tùy vào nguyên nhân mà cơn đau ngực có thể kéo dài trong vài phút hoặc vài giờ.

Các bệnh tim mạch có thể gây ra cơn đau ngực gồm có nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ, viêm màng ngoài tim, đau thắt ngực do bệnh mạch vành, viêm cơ tim, co thắt mạch vành,…

1.2 Đau ngực liên quan đến bệnh lý ở phổi

Đau ngực khó thở, cơn đau tăng lên khi hít sâu hoặc ho đau ngực có thể do thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi), viêm màng phổi (viêm tổ chức quanh phổi) hoặc xẹp phổi.

Ngoài ra, đau ngực còn có thể do một bên phổi bị chấn thương, cơn đau này thường bắt đầu đột ngột và có thể kéo dài trong nhiều giờ.

1.3 Đau ngực liên quan đến vấn đề tiêu hóa

Đôi khi đau ngực cũng có thể do chứng ợ nóng (axit dạ dày trào ngược lên thực quản), rối loạn nuốt (gặp khó khăn khi nuốt), bệnh túi mật hoặc tụy (sỏi mật, viêm túi mật hoặc bệnh tuyến tụy có thể gây đau bụng lan đến ngực).

1.4 Đau ngực liên quan đến cơ bắp và xương

Viêm sụn sườn, đau cơ, gãy xương sườn cũng là một trong những “thủ phạm” gây ra các cơn đau xương ngực.

1.5 Các nguyên nhân khác

Đôi khi lo âu và hoảng sợ cũng có thể gây đánh trống ngực và đau ngực. Ngoài ra, bệnh zona thần kinh cũng khiến người bệnh gặp phải các cơn đau ngực. Hoặc nếu bạn hoạt động thể chất quá sức, tiếp xúc với thời tiết lạnh cũng khiến bạn bị đau ngực tạm thời.

Như vậy, đau ngực có thể là biểu hiện bình thường khi bạn hoạt động, tập luyện quá sức, nhưng nó cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh nghiêm trọng, cần được cấp cứu để chữa trị. Hơn nữa, đau ngực không phải luôn là tín hiệu của cơn đau tim, nó có thể liên quan đến sự tổn thương ở phổi, hệ tiêu hóa, cơ xương,…vì vậy, bạn tuyệt đối không được chủ quan có triệu chứng đau tức ngực khó thở.

2. Đau ngực nên làm gì?

Nếu bạn thường xuyên gặp phải các cơn đau ngực thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và xử lý đúng cách. Đặc biệt, khi đau ngực kèm theo các triệu chứng như khó thở, nuốt khó, sụt cân,…thì tuyệt đối không được chủ quan.

dau-nguc-la-dau-hieu-benh-gi-voh

Phần lớn đau ngực xuất phát từ các vấn đề ở tim (Nguồn: Internet)

Sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây đau tức ngực khó thở, bạn cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp đau ngực liên quan đến tim mạch (bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ) cần phải hết sức thận trọng, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh và dinh dưỡng hợp lý theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.

Tốt nhất, khi bị đau ngực cần phải tạm dừng công việc để nghỉ ngơi, không làm việc nặng, không cố gắng sức. Ngoài ra, bạn nên xây dựng thói quen tập thể dục và vận động cơ thể hàng ngày bằng các hoạt động nhẹ nhàng, hạn chế các môn thể thao nặng như cầu lông, bóng bàn, cử tạ,…vì các bộ môn này có thể khiến tình trạng đau ngực tái phát hoặc trầm trọng hơn.

Bình luận