Sỏi túi mật và những điều cần biết

(VOH) – Sỏi túi mật là bệnh thường gặp, phổ biến ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Căn bệnh này có thật sự nguy hiểm và nên chữa trị bằng cách nào? Hãy đi tìm câu trả lời dưới đây.

1. Sỏi mật là gì?

Sỏi túi mật là những viên rắn chứa cholesterol và các chất khác nhau hình thành trong túi mật. Bạn có thể có một hoặc rất nhiều sỏi mật trong túi mật.

Túi mật bình thường là một túi nhỏ, màu xanh lam, dính vào phía dưới thùy gan phải, thông nối với đường mật qua ống túi mật. Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật (được gan tiết ra). Khi bạn ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu, mỡ, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật và sau đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn, giúp tiêu hóa chất béo.

soi-tui-mat-va-nhung-dieu-can-biet-voh-1

Hình ảnh sỏi túi mật (Nguồn: Internet)

Khởi nguồn của sỏi túi mật là dịch mật – hợp chất giúp cơ thể tiêu hóa chất béo và thuần hóa hàng loạt vitamin. Sỏi túi mật là những viên sỏi nhỏ xuất hiện từ mật đã kết tinh. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật là tập hợp chủ yếu từ cholesterol, còn ở Việt Nam, đa số là sỏi sắc tố, bắt nguồn từ trứng và xác ký sinh trùng đường ruột.

Khi mắc bệnh sỏi túi mật đa số bệnh nhân không có triệu chứng gì và thường được tình cờ phát hiện trong quá trình thăm khám chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng.

2. Ai dễ mắc bệnh sỏi túi mật?

Bệnh sỏi túi mật thường gặp ở nữ giới vì phần lớn liên quan đến kích thích tố nữ như progesteron khiến giảm vận động túi mật, trong khi estrogen làm tăng cholesterol và giảm axit mật hòa tan cholesterol.

Estrogen gia tăng làm tăng cholesterol trong dịch mật, progesteron làm chậm tốc độ giải phóng túi mật. Điều này giải thích vì sao xác suất mắc bệnh ở phụ nữ giảm dần cùng tuổi tác. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen cũng có nguy cơ bị sỏi túi mật.

Người béo phì cũng là đối tượng dễ bị sỏi túi mật, nguyên nhân vì sỏi liên quan đến vấn đề thừa cholesterol trong máu.

Người có bệnh viêm đường ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng cũng cần thận trọng với căn bệnh này.

soi-tui-mat-va-nhung-dieu-can-biet-voh-2

Phụ nữ dễ bị sỏi túi mật hơn nam giới (Nguồn: Internet)

3. Sỏi túi mật có gây nguy hiểm không?

Túi mật chứa sỏi hầu hết là bình thường nên người bệnh có thể sống chung hòa bình với nó. Đa số các trường hợp sỏi túi mật không nhất thiết phải phẫu thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp sỏi di chuyển có thể gây tắc nghẽn đường dẫn mật hoặc gây viêm túi mật tái diễn.

Khi sỏi chiếm 2/3 túi mật sẽ làm mất khả năng co bóp, tống xuất dịch mật thì người bệnh cần được điều trị đúng cách để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng đáng lo của sỏi túi mật là làm vỡ túi mật. Nếu vỡ túi mật không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể thấm mật phúc mạc gây viêm phúc mạc – mật rất nguy hiểm đến tính mạng.

4. Điều trị sỏi túi mật bằng cách nào?

Sỏi túi mật có thể chữa khỏi được bằng cách phẫu thuật cắt bỏ túi mật và lấy sỏi mật. Phẫu thuật cắt túi mật nội soi được xem là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hoặc biến chứng.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn ăn uống được như bình thường vì cơ thể vẫn có đủ mật từ gan qua ống mật và đi xuống ruột giúp tiêu hóa, sinh hoạt và làm việc bình thường, “quan hệ vợ chồng” cũng sẽ không bị ảnh hưởng, không làm giảm tuổi thọ,…

soi-tui-mat-va-nhung-dieu-can-biet-voh-3

Phẫu thuật là cách điều trị sỏi túi mật phổ biến (Nguồn: Internet)

Trong một số trường hợp, bác sĩ cho dùng thuốc làm tan sỏi túi mật nếu việc phẫu thuật quá nguy hiểm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân cần sử dụng thuốc trong thời gian dài và đôi khi bệnh có thể tái phát khi ngưng sử dụng thuốc.

5. Sỏi mật kiêng ăn gì và nên ăn gì?

Người bị sỏi túi mật cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ cũng như có chế độ ăn uống hợp lý như:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để giúp kích thích tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và đào thải cholesterol.
  • Bổ sung đủ vitamin, đặc biệt là vitamin A từ các loại củ quả như táo, bưởi, dưa hấu, cà rốt,…
  • Uống nhiều nước giúp cơ thể đào thải chất độc trong cơ thể nhanh hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế ăn các thực phẩm như:

  • Thực phẩm dễ tạo sỏi, nhiều canxi như trứng, sữa,…
  • Thực phẩm nhiều đạm và dầu mỡ làm tăng cholesterol.
  • Các loại gia vị gây kích ứng đường tiêu hóa như chua cay, mặn,…

6. Phòng tránh sỏi mật bằng cách nào?

Để không bị sỏi túi mật, bạn nên:

  • Ăn uống hợp vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Vệ sinh môi trường sạch sẽ, góp phần ngăn ngừa các bệnh về đường ruột và bệnh sỏi mật.
  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.
  • Dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn mỡ động vật và các loại thực phẩm có khả năng tăng mỡ máu như thịt đỏ, tôm, mỡ, phủ tạng động vật,…
  • Nếu bị mỡ máu cao cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình.
  • Thường xuyên tập luyện thể thao (đi bộ) thời gian tối thiểu 30 phút đa số ngày trong tuần
  • Duy trì cân nặng không vượt quá chuẩn mực dành cho lứa tuổi.
  • Khi đã bị sỏi túi mật nên ăn giảm chất béo để giảm co thắt túi mật và sỏi túi mật chậm phát triển.
Bình luận