Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tìm hiểu đầy đủ về bệnh mạch vành

(VOH) - Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới và cả Việt Nam. Vậy đây là căn bệnh gì, có cách nào phòng ngừa hiệu quả hay không?

1. Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là tên gọi chung cho một số bệnh tim do mạch máu vành bị nghẽn đưa đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Các tên gọi khác của bệnh này là bệnh tim mạch vành, bệnh động mạch vành, bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Bệnh mạch vành là tình trạng xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở do sự hình thành những mảng bám tích tụ bên trong. Các động mạch trong cơ thể chúng ta vốn dĩ mềm mại và đàn hồi, nhưng chúng có thể trở nên hẹp và cứng hơn do sự xuất hiện các mảng bám trong thời gian dài.

2. Triệu chứng của bệnh mạch vành

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh mạch vành là đau thắt ngực hay đau tim. Tình trạng này có thể được mô tả với các dấu hiệu sau:

tim-hieu-day-du-ve-benh-mach-vanh

Đau ngực là triệu chứng phổ biến của bệnh mạch vành (Nguồn: Internet)

  • Nặng nề vùng ngực.
  • Cảm giác nén ép tim.
  • Đau ran vùng ngực.
  • Nóng rát.
  • Tê vùng ngực.
  • Đầy bụng.
  • Cảm giác tim bị bóp chặt lại.
  • Đau ngực âm ỉ.

Triệu chứng bệnh mạch vành ở phụ nữ thường nhẹ hơn so với nam giới. Trong cơn đau ngực điển hình có thể kèm theo một số triệu chứng như:

  • Đánh trống ngực.
  • Khó thở.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Mệt mỏi.
  • Chóng mặt.
  • Nôn và buồn nôn.
  • Đổ nhiều mồ hôi.

3. Nguyên nhân gây bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành chủ yếu là sự tích tụ mảng xơ vữa động mạch bên trong thành động mạch cung cấp máu đến cơ tim. Thông thường, cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp trên 50% khẩu kính của lòng mạch.

Khi hoạt động thể lực, cơ thể cần nhiều oxy hơn nên cơ tim phải làm việc nhiều hơn. Nếu một nhánh của động mạch bị hẹp, sự cung cấp máu cho vùng cơ tim tương ứng không đầy đủ. Cơ tim bị thiếu máu và thiếu oxy gây đau thắt ngực.

Bệnh mạch vành thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:

tim-hieu-day-du-ve-benh-mach-vanh

Béo phì dễ mắc bệnh mạch vành (Nguồn: Internet)

  • Hút thuốc lá.
  • Mắc bệnh tiểu đường.
  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn mỡ máu.
  • Gia đình có người bị bệnh mạch vành.
  • Béo phì, ít vận động.
  • Căng thẳng thường xuyên.
  • Nồng độ chất béo và nồng độ cholesterol trong máu cao.

Bạn có thể phòng ngừa bệnh mạch vành bằng cách khắc phục các yếu tố nguy cơ trên.

4. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Khi bệnh phát triển, máu khó chảy qua các động mạch. Hệ quả là cơ tim không thể nhận đủ máu hoặc oxy cần thiết, dẫn đến đau ngực (đau thắt ngực) hoặc đau tim. Hầu hết các cơn đau tim xảy ra khi một cục máu đông đột ngột cắt đứt nguồn cung cấp máu của tim, gây tổn thương tim vĩnh viễn.

Theo thời gian, bệnh mạch vành cũng có thể làm suy yếu cơ tim và góp phần làm suy tim và loạn nhịp tim. Suy tim có nghĩa là tim không thể bơm máu tốt đến các bộ phận của cơ thể. Loạn nhịp tim là những thay đổi trong nhịp đập bình thường của tim.

Bệnh mạch vành có thể diễn biến tiềm ẩn trong nhiều năm. Trong đa số trường hợp, các triệu chứng không được để ý cho đến khi động mạch vành bị hẹp nhiều đến một mức độ đáng kể.

Nhiều khi bệnh mạch vành chỉ được biết đến khi đã xuất hiện biến chứng, bị nhồi máu cơ tim. Do đó, việc tầm soát bệnh là rất quan trọng, ngay cả khi chưa có triệu chứng nào của bệnh.

tim-hieu-day-du-ve-benh-mach-vanh

Bệnh mạch vành là bệnh nguy hiểm nhưng có thể tầm soát và phòng ngừa (Nguồn: Internet)

Mặc dù chụp mạch vành là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhưng không phải bất kỳ trường hợp nào cũng cần chụp mạch vành. Thông thường, bác sĩ sẽ tầm soát bệnh mạch vành bằng cách đánh giá các yếu tố nguy cơ, từ đó sẽ có hướng xử trí tiếp theo như thay đổi lối sống và điều trị thuốc khi cần thiết, làm xét nghiệm gắng sức hoặc tiến hành chụp mạch vành cho những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.

5. Điều trị bệnh mạch vành bằng cách nào?

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ mắc phải mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh mạch vành thích hợp. Các phương pháp bao gồm:

5.1 Thay đổi lối sống

Việc thay đổi những thói quen không tốt và xây dựng lối sống phù hợp có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Người bệnh nên áp dụng một số lối sống sau đây:

  • Ngưng hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá.
  • Nói không với rượu bia.
  • Tránh các thức ăn nhanh, chế biến nhiều dầu mỡ và gia định.
  • Thực hiện chế độ ăn ít muối và ít đường. Thường xuyên ăn các thực phẩm tốt cho tim mạch như ngũ cốc thô, rau quả xanh, các loại đậu, các loại hạt, các loại cá giàu omega-3,…
  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày.
  • Giữ tinh thần luôn vui vẻ, tránh kích động.

5.2 Điều trị bằng thuốc

Trong trường hợp nhận thấy việc thay đổi lối sống là không đủ để điều trị bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp dựa trên tiên lượng bệnh nhân.

5.3 Các phương pháp y học hiện đại

  • Phẫu thuật đặt stent và các thủ thuật khác: Những thủ thuật phổ biến trong điều trị bệnh động mạch vành, có thể kể đến như: nong mạch bằng bóng, phẫu thuật đặt stent, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Tất cả các thủ thuật này đều có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cải thiện và tăng cường sự cung cấp máu cho tim, tuy nhiên không chữa được hoàn toàn bệnh mạch vành.
  • Sử dụng chất sinh mạch: Phương pháp này áp dụng các tính chất liên quan đến tế bào gốc và các vật liệu di truyền khác. Chất sinh mạch được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc đưa trực tiếp vào mô tim đang bị tổn thương.
  • Phương pháp phản xung động ngoại biên tăng cường: Nếu đã bị bệnh mạch vành trong thời gian dài và tình trạng đau thắt ngực trở nên mãn tính, các loại thuốc không đem lại hiệu quả hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện để tiến hành các thủ thuật thì rất có thể bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp này. Đây là phương pháp sử dụng vòng ở chân thổi phồng và làm xẹp, nhằm làm tăng sự cung cấp máu cho động mạch vành.

6. Lời khuyên

Dù có mắc bệnh mạch vành hay không, đã được điều trị nội khoa hay can thiệp phẫu thuật thì bạn cũng cần áp dụng lối sống phù hợp để phòng ngừa và làm chậm diễn tiến của bệnh. Hãy từ bỏ thuốc lá, thường xuyên theo dõi huyết áp, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường (nếu có), thường xuyên vận động, ăn uống hợp lý, đủ dưỡng chất, ăn ít mỡ và hạn chế rượu, bia,…bạn sẽ phòng ngừa được các bệnh mạch vành.