Chụp mạch vành và những điều cần biết về kỹ thuật này

(VOH) - Các bệnh mạch vành không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm như lòng mạch tắc nghẽn, hoại tử cơ tim,…Chụp mạch vành là cách tốt nhất để chẩn đoán sớm các bệnh này.

Vậy chụp mạch vành là gì, giúp chẩn đoán bệnh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin dưới đây.

1. Chụp mạch vành là gì?

Mạch vành là động mạch cung cấp máu cho tim. Chụp mạch vành hay chụp động mạch vành là phương pháp chụp X-quang, giúp các bác sĩ chuyên khoa nắm được tình trạng của mạch vành, để xem động mạch vành có bị tắc hay không và mức độ tắc có nghiêm trọng không.

Phương pháp này được đánh giá là tiêu chuẩn vàng để xác định tình trạng tắc nghẽn mạch vành và cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

chup-mach-vanh-va-nhung-dieu-can-biet-ve-ky-thuat-nay-voh-1

Chụp mạch vành để chẩn đoán các bệnh lý ở động mạch vành (Nguồn: Internet)

2. Khi nào cần chụp mạch vành?

Những bệnh nhân của những bệnh lý sau đây sẽ được chỉ định chụp động mạch vành để chẩn đoán bệnh chính xác:

  • Bệnh động mạch vành: Các bệnh động mạch vành gồm hẹp, tắc, huyết khối,…Chụp mạch vành sẽ giúp xác định vị trí, mức độ tổn thương của các động mạch vành và đánh giá tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn ở trong lòng mạch. Chụp động mạch vành cũng có thể được dùng kết hợp với các phương pháp điều trị bệnh mạch vành, như nong mạch vành và đặt stent, hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
  • Nhồi máu cơ tim cấp: Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đã ổn định sau nhồi máu cơ tim, mà xuất hiện đau ngực lại thì chụp mạch vành là chỉ định bắt buộc.
  • Đau thắt ngực: Trong trường hợp đáp ứng kém với điều trị nội khoa cũng cần chụp mạch vành.
  • Một số bệnh lý tim mạch khác như rối loạn nhịp thất, rối loạn chức năng thất trái, bệnh van tim...cũng có thể được chỉ định chụp động mạch vành để giúp đánh giá và tiên lượng bệnh.

3. Chụp mạch vành có nguy hiểm không?

Chụp mạch vành không được khuyến nghị cho tất cả mọi người. Kỹ thuật chụp động mạch vành được tiến hành với việc sử dụng các ống thông chuyên dụng để đưa thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành. Chính vì thế, người được chụp mạch vành có nguy cơ phơi nhiễm với tia xạ và dùng thuốc cản quang.

Phản ứng xảy ra sớm sau 1 giờ sau tiêm thuốc cản quang là dị ứng, ói, phù thanh quản, sốc phản vệ. Trong vòng 1 giờ đến 7 ngày, bạn có thể bị sẩn đỏ, sưng, ngứa da. Ngoài ra, suy chức năng thận cũng có thể xảy ra do thuốc cản quang.

4. Những đối tượng không nên chụp động mạch vành

Do trong quá trình chụp động mạch vành, người bệnh sẽ tiếp xúc với tia X-quang. Vì vậy, những người sau đây không nên chụp động mạch vành:

  • Phụ nữ có thai.
  • Suy thận nặng.
  • Dị ứng thuốc cản quang.
  • Nhiễm trùng đang tiến triển.
  • Có rối loạn sinh hoá, điện giải, thiếu máu,...
  • Suy tim mất bù.
  • Các bệnh mạch ngoại vi nặng.
  • Phình động mạch chủ bụng.
  • Tăng huyết áp nghiêm trọng không kiểm soát được.

chup-mach-vanh-va-nhung-dieu-can-biet-ve-ky-thuat-nay-voh-2

Chụp mạch vành đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao thực hiện (Nguồn: Internet)

5. Trước khi chụp mạch vành cần lưu ý điều gì?

Để quá trình chụp mạch vành diễn ra an toàn và hiệu quả thì bạn cần lưu ý:

  • Bạn không nên ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 8 giờ trước khi chụp mạch vành.
  • Bạn nên nhờ ai đó ở lại với mình vào buổi tối sau khi làm xét nghiệm, vì bạn có thể cảm thấy chóng mặt hoặc không tỉnh táo trong 24 giờ đầu sau khi chụp động mạch vành.
  • Bạn có thể uống nước, tuy nhiên, không được uống cà phê, trà, nước ngọt hoặc uống thuốc để tránh ảnh hưởng đến nhịp tim.

6. Nên làm gì sau khi chụp động mạch vành?

Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý sau khi đã thực hiện chụp mạch vành xong:

  • Bạn nên thư giãn và uống nhiều nước, không hút thuốc hoặc uống rượu.
  • Do được gây mê khi thực hiện thủ thuật, bạn không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào ngay lập tức.
  • Bác sĩ sẽ tháo băng cho bạn sau 24 giờ, nếu vết thương có rỉ nước, bạn hãy đắp băng gạc mới thêm 12 giờ.
  • Trong 2 ngày đầu sau khi chụp mạch vành, bạn không nên quan hệ tình dục hoặc tập thể dục nặng. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên tắm, sử dụng hồ bơi, thoa kem dưỡng da gần chỗ đâm kim trong 3 ngày.
  • Sau khi làm xét nghiệm 1 tuần, hãy đến tái khám để bác sĩ xem xét tình trạng của bạn. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

7. Tóm lại

Chụp mạch vành là tiêu chuẩn vàng để xác định tình trạng tắc nghẽn mạch vành, đây là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Tuy nhiên, chụp mạch vành là một thủ thuật khá đắt, nguy cơ phơi nhiễm với tia xạ và dùng thuốc cản quang. Vì vậy các bác sĩ cũng như người bệnh cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện kỹ thuật chẩn đoán này.