Hơn 19.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết

(VOH) - Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 19.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 19.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh, thành phố: Bình Dương 1 trường hợp, Phú Yên 2 trường hợp, Sóc Trăng 1 trường hợp, thành phố Hồ Chí Minh 1 trường hợp.

hon-19-700-truong-hop-mac-sot-xuat-huyet-voh.com.vn-anh1
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: SGGP

So với cùng kỳ năm 2020, số mắc sốt xuất huyết giảm 16,3% nhưng số ca tử vong tăng 1 trường hợp. Nếu kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, đau nhức cơ thể, đau cơ khớp, nhức mắt thì người mắc những triệu chứng này cần phải đi khám, bởi đây là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết. Hiện nay, test sốt xuất huyết đã giúp chẩn đoán sớm sốt xuất huyết từ ngày đầu nên người bệnh cần được đi khám sớm để có chẩn đoán và được bác sĩ hướng dẫn cụ thể. Lưu ý, người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt mà phải có chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay, trong mùa dịch, số lượng bệnh nhân nằm viện rất đông sẽ gây nên tình trạng quá tải, không đảm bảo vệ sinh, hoặc những điều kiện tốt cho người bệnh và ngay cả những người đi nuôi bệnh cũng có thể sẽ bị mắc bệnh do lây nhiễm chéo. Vì vậy, không phải tất cả bệnh nhân bị sốt xuất huyết đều phải nhập viện.

*Sốt xuất huyết ở người lớn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn cả.

Bệnh sốt xuất huyết có thể khiến cho cơ thể người bệnh trở nên đau nhức, đặc biệt là ở cơ và các khớp. Sốt xuất huyết dạng nhẹ có thể gây phát ban, sốt cao, dạng nặng thì có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.

Xây dựng Đề án “Đặt lịch Khám, chữa bệnh trực tuyến”

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối xây dựng Đề án “Đặt lịch Khám, chữa bệnh trực tuyến” với mục tiêu người bệnh và người nhà người bệnh không mất thời gian chờ đợi lâu, tiết kiệm thời gian để làm việc khác, tăng hiệu quả kinh tế xã hội. Việc xây dựng Đề án Khám chữa bệnh trực tuyến sẽ giúp các bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch về nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh cũng như công nghệ thông tin để phục vụ người bệnh tốt hơn, bước đầu làm thay đổi toàn diện hoạt động khám bệnh chữa bệnh.