Tính đến cuối giờ chiều qua (16/3), tổng cộng thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 20.695 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 16/3, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quôc gia cũng ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 AstraZeneca với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy…
Nếu người được tiêm xuất hiện dấu hiệu mẩn ngứa lan rộng, mạch nhanh, huyết áp tăng cao hoặc tụt, tức ngực khó thở, chân tay lạnh… hoặc có diễn biến nặng lên thì cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tổ chức kiểm tra giám sát tại một số tỉnh/thành phố cho thấy công tác an toàn tiêm chủng và tư vấn trước tiêm chủng được tất cả các địa phương thực hiện đầy đủ. Người đến tiêm được thông báo số điện thoại của các cơ sở y tế trong trường hợp khẩn cấp để được hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đảm bảo an toàn tiêm chủng, các điểm tiêm còn bố trí các phòng theo quy tắc một chiều, giãn cách giữa các bàn, các phòng để phòng chống lây nhiễm SARS-COV-2.
Tin từ Bộ Y tế sáng 17/3, hiện Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vaccine của Johnson & Johnson, Modema, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)...
Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy tiếp độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để chủ động được vaccine, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.
Tính đến sáng 17/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đến nay cả nước hiện có 2.560 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1597 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 36.923, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 496; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.396; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 19.031.
Trong một tuyên bố, AstraZeneca cho biết có hơn 17 triệu người tại Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm vắc-xin của hãng và không có bằng chứng cho thấy vắc-xin làm tăng nguy cơ tắc mạch phổi, chứng huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, lô vắc-xin hoặc ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Tuyên bố của AstraZeneca chỉ ra rằng số trường hợp bị tắc mạch phổi sau khi tiêm vắc-xin thấp hơn nhiều so với số trường hợp dự kiến xảy ra tự nhiên trong dân số chung có cùng quy mô, và tình trạng này cũng tương tự như những vắc-xin ngừa Covid-19 khác đã được cấp phép. |