Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Hướng dẫn mẹ cách hút mũi cho bé chuẩn nhất

(VOH) – Hút mũi cho bé là biện pháp giúp khai thông đường thở cho con khi bé bị nghẹt mũi, giúp bé hô hấp dễ dàng và thoải mái hơn. Tuy nhiên, để đạt kết quả này mẹ cần biết cách sử dụng đúng.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị sổ mũi, nghẹt mũi. Điều này gây ra bởi sự tích tụ chất nhầy bên trong mũi và đường hô hấp. Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi trẻ thường gặp khó khăn trong việc thở, vì thế mẹ cần chú ý làm sạch đường thở của bé để bé không bị khó chịu và hút mũi là một trong những cách đơn giản để giúp mũi bé được thông thoáng.

1. Khi nào cần hút mũi cho trẻ?

Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn non yếu nên bé dễ mắc phải các bệnh cảm lạnh, cảm cúm dẫn đến nghẹt mũi, sổ mũi. Tình trạng này không chỉ khiến bé khó chịu, thở khò khè, chán ăn, ngủ kém mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nếu kéo dài.

Những em bé còn nhỏ thường chưa tự biết cách xì mũi để đẩy chất nhầy ra ngoài, vì thế mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi trẻ em để giúp mũi bé được thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, mẹ nên nhớ chỉ nên hút mũi khi bé bị ốm, nghẹt mũi, khó thở. Không được lạm dụng việc hút mũi quá nhiều vì sẽ gây khô, rát niêm mạc mũi của trẻ.

2. Hướng dẫn mẹ cách hút mũi cho bé

Trước khi thực hiện việc hút mũi cho bé, mẹ nên lựa chọn loại dụng cụ hút mũi thích hợp với con. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dụng cụ hút mũi với nhiều kiểu dáng và mức giá khác nhau. Chẳng hạn như, dụng cụ hút mũi được làm bằng cao su, dụng cụ hút mũi hình chữ U, dụng cụ hút mũi điện tử chạy bằng pin...

Mỗi dụng cụ hút đều sẽ có những cách sử dụng khác nhau do cấu tạo khác nhau. Vì thế mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Dưới đây là quy trình hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng ống hút bằng cao su và dụng cụ hút mũi hình chữ U (2 loại dụng cụ hút mũi thông dụng nhất).

2.1 Hút mũi cho trẻ bằng ống hút cao su

huong-dan-me-cach-hut-mui-cho-be-chuan-nhat-voh

Hút mũi cho bé bằng ống hút làm từ cao su (Nguồn: Internet)

  • Bước 1: Đặt bé nằm trên một chiếc gối có độ cao vừa phải. Để bé nằm hơi nghiêng nhằm giúp việc hút mũi dễ dàng hơn.
  • Bước 2: Mẹ nhỏ từ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mũi bé để làm ẩm mũi và dịch nhầy, giúp tránh tổn thương niêm mạc mũi khi hút.
  • Bước 3: Mẹ cầm dụng cụ hút mũi bằng cách đặt ngón cái ở dưới đáy và ngón trỏ và ngón giữa giữ ở trên đầu. Sau đó dùng ngón cái bóp bình đẩy không khí từ trong bình ra ngoài để tạo môi trường chân không. Giữ nguyên vị trí tay.
  • Bước 4: Mẹ nhẹ nhàng giữ đầu bé nằm yên. Sau đó đặt ống hút vào một bên mũi của bé. Cuối cùng mẹ nhả ngón tay cái ra để tạo lực hút giúp hút dịch nhầy ra ngoài.
  • Bước 5: Bỏ ống hút ra ngoài và bóp mạnh bầu bình để đẩy dịch nhầy ra khỏi ống. Sau đó rửa sạch ống hút.
  • Bước 6: Lặp lại quá trình trên với bên mũi còn lại.

2.2 Hút mũi cho trẻ bằng dụng cụ hình chữ U

huong-dan-me-cach-hut-mui-cho-be-chuan-nhat-1-voh

Hút mũi cho bé bằng dụng cụ hình chữ U (Nguồn: Internet)

Đối với dụng cụ hình chữ U, sau khi đã cho bé nằm với tư thế thuận lợi và đã nhỏ nước muối sinh lý vào mũi của bé thì mẹ sẽ tiến hành hút mũi cho bé qua các bước sau:

  • Bước 1: Đặt đầu vòi lớn vào mũi em bé. Đầu thon được nối với một ống hình trụ dài – nơi thu dịch chất nhầy từ mũi.
  • Bước 2: Mẹ bắt đầu đặt một đầu còn lại của dụng cụ lên miệng và hút. Lượng chất nhầy lấy ra từ mũi con sẽ tùy thuộc vào lực hút của mẹ. Mẹ sẽ không hút phải chất nhầy do dụng cụ đã được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn điều này.
  • Bước 3: Sau khi hoàn thành việc hút mũi cho bé, mẹ hãy tháo rời từng bộ phận của dụng cụ và rửa thật sạch.

3. Những lưu ý cần nhớ khi hút mũi cho trẻ

Hút mũi cho trẻ em sai cách có thể gây ảnh hưởng không tốt đến mũi của bé. Vì vậy, khi hút rửa mũi cho bé các mẹ cần chú ý đến những vấn đề sau:

  • Không hút mũi cho bé nhiều hơn 2 lần/ngày để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.
  • Không hút mũi cho bé khi bé vừa ăn hoặc vừa bú xong vì dễ gây nôn mửa. Thời gian hút mũi tốt nhất là sau khi ăn xong khoảng 30 phút.
  • Mẹ không được dùng miệng để hút trực tiếp mũi của con vì rất dễ khiến trẻ bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn từ mẹ.
  • Chỉ sử dụng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi phù hợp cho từng lứa tuổi để đảm an toàn cho bé.
  • Nếu bé thường xuyên bị nghẹt mũi, sổ mũi thì nên đưa bé đi thăm khám bác sĩ.
  • Ngoài ra, vệ sinh dụng cụ hút mũi là một bước vô cùng quan trọng, nếu mẹ vệ sinh không sạch bé có thể sẽ bị nhiễm bệnh nặng hơn do tiếp xúc với vô số loại vi khuẩn từ dụng cụ. Do đó, hãy đọc kỹ các hướng dẫn về cách vệ sinh dụng cụ hút mũi cho bé được in trên sản phẩm để đảm bảo vệ sinh đúng cách và an toàn.
Bình luận