Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế căn cứ theo cấp độ dịch bệnh

(VOH) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19.

Công văn nêu rõ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện một số nội dung, cụ thể: Bảo hiểm xã hội các tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế tổ chức thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế căn cứ theo cấp độ dịch bệnh được xác định tại địa phương, biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch bệnh.

Tiếp tục phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các hướng dẫn về khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến dịch bệnh COVID-19 tại các Công văn: Công văn số 6373, Công văn số 3100, Công văn số 5028, Công văn số 2172 và các hướng dẫn khác khi chưa có quy định thay thế. Phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh bệnh bảo hiểm y tế đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ bệnh bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh. Lưu ý về các trường hợp người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm COVID-19, thực hiện phục hồi chức năng các di chứng về vận động, hô hấp... sau điều trị bệnh COVID-19. Bảo hiểm xã hội các tỉnh có trách nhiệm thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

kham-chua-benh-cho-nguoi-co-the-bao-hiem-y-te-voh.com.vn-anh1
Người dân đăng ký khám bệnh BHYT tại bệnh viện. (Ảnh minh họa: SGGP)

Khắc phục đau mỏi cơ kéo dài sau nhiễm COVID-19 bằng y học cổ truyền

Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, đau mỏi cơ kéo dài sau nhiễm COVID-19 là một tình trạng chiếm khoảng 20-30% các triệu chứng dai dẳng sau COVID-19.

Đau cơ ở bệnh nhân COVID-19 có thể kéo dài hơn so với các trường hợp nhiễm virus khác và có thể đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường. Để điều trị đau mỏi cơ kéo dài sau COVID-19 cần loại trừ các yếu tố gây nên tình trạng này, do đó mục tiêu là giảm mức lactate trong máu, tăng sự vận chuyển oxy đến các mô, và thuốc giảm đau có thể không hiệu quả.

Người bệnh nên vận động, tập thở nhẹ nhàng giúp tuần hoàn được lưu thông, tăng cường trao đổi khí, cung cấp oxy cho mô đồng thời đẩy nhanh quá trình đào thải lactate dư thừa trong máu. Căn cứ vào cơ chế trên và đặc điểm cụ thể của người từng người bệnh, người thầy thuốc y học cổ truyền có thể kết hợp phương pháp điều trị dùng thuốc và phương pháp điều trị không dùng thuốc để giúp khí huyết lưu thông, bồi bổ khí huyết để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hoặc thiếu nuôi dưỡng, đồng thời nâng cao chính khí giúp cơ thể phục hồi nhanh. Với điều trị không dùng thuốc có thể thực hiện các phương pháp như: Châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh. Các bài tập dưỡng sinh giúp khí huyết lưu thông, phổi hoạt động tốt hơn. Nên tập dưỡng sinh mỗi ngày từ 20-30 phút.

Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Thành phố hỗ trợ Sóc Trăng chống dịch

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM làm trưởng đoàn cùng một số lãnh đạo phòng ban hậu cần đem theo nhiều trang thiết bị, vật tư phòng hộ, thuốc men và ê-kip gồm 4 bác sĩ, 6 điều dưỡng vừa đến hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng chống dịch. Các y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đến đây sẵn sàng bám trụ tại thực địa và bệnh viện có kế hoạch luân phiên khi cần kéo dài thời gian hỗ trợ cho tỉnh Sóc Trăng.

Công tác bàn giao diễn ra nhanh chóng, thuốc men và thiết bị điều trị do Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới mang đến bước đầu đáp ứng được công tác điều trị cho 18 ca bệnh Covid-19 mức độ nặng đến nguy kịch.Mối liên kết của hai bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Bệnh viện Điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng càng mật thiết hơn với sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Sở Y tế và ủy ban nhân dân  hai tỉnh thành. Là bệnh viện tuyến đầu trong công tác điều trị Covid–19 với nhiều kinh nghiệm và đi đầu trong công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các tỉnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ trực tiếp hỗ trợ, đóng góp chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch để giúp tỉnh Sóc Trăng phòng chống dịch cũng như trong công tác điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.