Khi đến trường trở lại trẻ bán trú cần đảm bảo phòng dịch như thế nào?

(VOH) – Theo Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành, khi tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh ăn bán trú cần bảo đảm thực hiện 5 yêu cầu phòng chống dịch.

Hôm nay 12/4, thêm nhiều tỉnh thành đã bắt đầu cho trẻ mầm non, mẫu giáo trở lại trường học tổ chức học bán trú, ăn, ngủ, nghỉ tại trường. Công tác phòng chống dịch tại các trường cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là thực hiện được yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh ăn bán trú, nhà trường cần bảo đảm thực hiện năm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể là:

Thứ nhất, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp;

Thứ hai, ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó;

Thứ ba, học sinh ăn theo suất riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn;

Thứ tư, vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường);

Thứ năm, bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

trẻ mầm non đến trường
Hình minh họa

Cho đến tuần đầu tháng 4, ngày 4/4, hầu hết các tỉnh thành đã tổ chức cho học sinh các cấp đến trường học trực tiếp (trừ những khu vực là vùng cam).

Đến sáng nay 12/4, nhiều tỉnh thành tiếp tục cho phép trẻ mầm non trở lại trường sau một tuần triển khai công tác chuẩn bị đón các em.

Tại Lào Cai đã ban hành văn bản cho phép trẻ mầm non 5 tuổi vùng dịch cấp độ dịch (vùng cam) trở lại trường học từ hôm nay, 12/4.

Đối với các cơ sở giáo dục thuộc xã/phường/thị trấn có dịch cấp độ 1, 2 tổ chức dạy, học và các hoạt động giáo dục bình thường theo kế hoạch; Chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định hiện hành.

Đối với các cơ sở giáo dục thuộc xã/phường/thị trấn có dịch cấp độ 3 tổ chức dạy, học và các hoạt động giáo dục bình thường theo kế hoạch cho trẻ em 5 tuổi kể từ ngày 12.4; Căn cứ diễn biến, tình hình và điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, địa phương.

Tại Nam Định, trẻ mầm non trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định sẽ đi học trực tiếp trở lại từ ngày 12/4. Các nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án để đón trẻ trở lại học tập trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID–19.

Tại Ninh Bình cũng đã có văn bản cho phép các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn toàn tỉnh đón trẻ mầm non đi học trở lại từ ngày 12/4. Bên cạnh việc đảm bảo phòng chống dịch, các trường và cơ sở mầm non phải chú trọng công tác tổ chức bữa ăn bán trú, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi học sinh trở lại trường.

Ngành giáo dục tỉnh Nam Định cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non có tổ chức ăn bán trú cho học sinh, thực hiện nghiêm túc triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Tại Gia Lai, học sinh bậc mầm non, tiểu học tại TP Pleiku sẽ đến trường học trực tiếp từ hôm nay. Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường theo quy định đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại TPHCM, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo gửi các quận, huyện về việc tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn từ ngày 12/4.

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh tổ chức chăm sóc giáo dục trực tiếp cho tất cả trẻ em đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, kể cả các cháu ở độ tuổi nhà trẻ. Tổ chức học tập trực tiếp cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 tại các cơ sở giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tất cả học sinh từ mầm non đến lớp 12 phải được đến trường để học trực tiếp, chỉ trừ những trường hợp phải cách ly y tế.        

Tại Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn cho phép trẻ Mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 trên địa bàn tỉnh trở lại trường học từ ngày 12/4.

Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện nghiêm các điều kiện, quy định về phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn trong trường học; chú trọng việc tổ chức bữa ăn bán trú nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục tổ chức tốt công tác dạy và học trực tiếp theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Tại Hà Nội, khoảng 550.000 trẻ lứa tuổi mầm non ở Hà Nội sẽ bắt đầu quay trở lại trường từ ngày mai 13/4 theo quyết định của UBND TP. Hà Nội sau thời gian nghỉ tại nhà. UBND TP.Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non và học viên các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên đi học trở lại trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục. 

Để chuẩn bị đón trẻ, nhiều cơ sở mầm non ở Hà Nội đã tận dụng những ngày nghỉ lễ trong dịp giỗ Tổ để lau dọn lớp học, phun khử khuẩn phòng ốc, đồ dùng dạy học, đồ chơi... cũng như trang trí cờ, hoa và chuẩn bị các hoạt động mang lại không khí thân thiện, vui vẻ để đón trẻ. 

Tính đến nay, đối với bậc tiểu học, có 63/63 tỉnh thành cho học sinh đi học trực tiếp, nhìn tổng thể, ngành giáo dục các địa phương đã tích cực đưa các học sinh đến trường học trực tiếp thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Lịch đi học trực tiếp của các tỉnh thành cập nhật cuối tuần trước ngày 9/4/2022

lịch đi học
 
lịch đi học 2
 
lịch đi học 3
 
lịch đi học 4