Tại Hội nghị Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch 2023 vừa diễn ra, Tiến sĩ Bác sĩ Trần Hòa – Phó trưởng khoa Tim mach can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, có khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp. Theo đó, cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp hiện là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ngày càng phổ biến và trẻ hóa.
Xem thêm: Ngày Tăng huyết áp Thế giới 2023: Kiểm soát huyết áp tốt, sống khỏe
Tuy chẩn đoán tăng huyết áp rất đơn giản, mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỉ lệ thấp.
Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, phần lớn người bệnh không tuân thủ điều trị vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…
Tiến sĩ Bác sĩ Trần Hòa nhấn mạnh thêm, để phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng, mỗi người nên nhớ đến đo huyết áp như nhớ tuổi của mình. Người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần.
Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ và chủ động đo huyết áp đúng cách. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn phù hợp, tập luyện đều đặn để tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.