Không chỉ ăn, uống quá mặn cũng tổn hại cơ thể

VOH - Một số loại đồ uống có vẻ không có gì là “mặn” nhưng lại chứa hàm lượng natri rất cao, nếu uống quá nhiều cũng sẽ gây hại cho sức khỏe.

Khi thời tiết trở nên oi bức, khô nóng hơn, hầu hết mọi người sẽ tìm mua đồ uống để giải khát và giải nhiệt, từ các quán vỉa hè cho đến siêu thị, rất đông người đổ xô vào tìm mua đồ uống yêu thích.

Nhưng hãy cẩn thận, đồ uống bán sẵn trên thị trường thực sự ẩn chứa “cạm bẫy chết người”. Mọi người thường nghe nói rằng, "ăn quá nhiều muối" không tốt cho sức khỏe, nguyên nhân chính là do thực phẩm nhiều muối quá mặn có hàm lượng natri cao.

Tuy nhiên, một số loại đồ uống có vẻ không có gì là “mặn” nhưng lại chứa hàm lượng natri rất cao, nếu uống quá nhiều cũng sẽ gây hại cho sức khỏe không kém gì ăn “quá mặn”.

Một số đồ uống đóng chai, đóng hộp cũng có chứa hàm lượng natri rất cao, không tốt cho sức khỏe
Một số đồ uống đóng chai, đóng hộp cũng có chứa hàm lượng natri rất cao, không tốt cho sức khỏe - Ảnh: TVBS

Dai Dingen - bác sĩ điều trị tại Khoa Tiết niệu ở Bệnh viện Tzu Chi, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, một khi hấp thụ quá nhiều natri, cơ thể sẽ xuất hiện nhiều tình trạng khác nhau về sức khỏe, chẳng hạn như tăng gánh nặng cho thận, tăng nguy cơ sỏi tiết niệu, gây phù nề, kích thích thèm ăn gây thừa calo, dễ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy thận, đột quỵ, tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, giảm mật độ xương, đặc biệt là giảm mật độ xương hông ở phụ nữ mãn kinh.  .

Các loại đồ uống có hàm lượng natri cao

Bác sĩ Dai Dingen và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Li Bingxun (Đài Loan, Trung Quốc) đã chia sẻ 5 loại đồ uống phổ biến “không mặn nhưng chứa nhiều natri”, bao gồm đồ uống thể thao (loại nước uống dành riêng cho người tập thể dục thể thao), nước ép trái cây và rau củ, nước mơ ngâm muối, nước ép khế và đồ uống socola (đa số là đồ uống đóng chai, đóng hộp).

Uống nhiều nước lọc để giúp cơ thể chuyển hóa natri, tránh gây hại cho thận - Ảnh: TVBS
Uống nhiều nước lọc để giúp cơ thể chuyển hóa natri, tránh gây hại cho thận - Ảnh: TVBS

Tuy nhiên, bác sĩ Dai Dingen nói rằng, bản thân một số loại đồ uống không có vấn đề về natri cao (chẳng hạn như nước ép trái cây và rau củ tự làm), nhưng đồ uống (đóng chai, đóng hộp) có bán trên thị trường có thể sẽ bổ sung thêm chất này, nên nhắc nhở mọi người cần kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng (xem có bổ sung natri hay không) trước khi mua các loại đồ uống bán trên thị trường. Tất nhiên, vẫn khuyên mọi người “uống nước lọc vẫn là tốt nhất” .

Cách hấp thụ ít natri

Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng, tổng lượng natri hàng ngày của người lớn hấp thụ không được vượt quá 2.400 mg (tức là khoảng 6 gram muối). Bác sĩ Daidingen hướng dẫn 3 cách hấp thụ ít natri như sau:

Thường xuyên uống nhiều nước lọc để giúp cơ thể chuyển hóa natri và hạn chế uống đồ uống chế biến sẵn (đồ uống đóng chai, đóng hộp).

Uống ít canh, đặc biệt là canh lẩu.

Giảm sử dụng nước chấm, nước sốt và các loại gia vị.

Natri giúp cân bằng lượng nước bên trong cơ thể và đảm bảo hoạt động chức năng của tế bào. Nhưng hấp thụ quá nhiều natri sẽ gây hại cho thận, bởi vì lượng natri dư thừa trong cơ thể con người sẽ được đào thải qua thận.

Khi cơ thể con người hấp thụ quá nhiều natri sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và dễ mắc các bệnh nguy hiểm, đặc biệt dễ gây ra các bệnh về thận.

Do đó, để đảm bảo sức khỏe và giảm gánh nặng cho thận, mọi người cần giảm hấp thụ natri bằng cách hạn chế uống các loại đồ uống đóng chai, đóng hộp có chứa natri.