Muối được tạo thành từ khoảng 40% natri và 60% clorua, chúng thường được sử dụng để thêm vị mặn cho thực phẩm. Natri là một khoáng chất cần thiết cho cơ bắp và chức năng thần kinh, trong khi clorua sẽ giúp duy trì sự cân bằng nước và khoáng chất trong cơ thể.
Tiêu thụ một lượng nhỏ muối ăn mỗi ngày là cần thiết để duy trì sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, nếu bạn có thói quen ăn mặn và ăn trong thời gian dài chúng sẽ không tốt cho cơ thể của bạn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muối mang đến những lợi ích cần thiết cho cơ thể cũng như tạo thêm hương vị cho bữa ăn, nhưng việc ăn mặn quá nhiều có thể gây ra những tác động không tốt cho cơ thể, cả về ngắn hạn và lâu dài.
1. Tác hại của ăn mặn trong thời gian ngắn hạn
Nhiều người có thói quen ăn mặn nhưng lại không biết ăn mặn có tốt không? Thực tế, nếu bạn ăn quá nhiều muối trong các bữa ăn trong ngày, cơ thể bạn có thể sẽ gặp phải một số tình trạng như:
1.1 Bị giữ nước
Một trong những tác hại của ăn mặn là chúng sẽ khiến cơ thể bị giữ nước. Khi bạn ăn mặn, lượng natri dư thừa sẽ được giải phóng vào máu. Cơ thể thường sẽ tự giữ cân bằng natri và chất lỏng trong máu, nhưng khi có quá nhiều muối trong máu, thận sẽ hút nước ra khỏi tế bào và đi vào máu để có thể duy trì một tỷ lệ natri – nước cân bằng trong máu. Tình trạng này sẽ gây ra hiện hiện tượng sưng và tích nước trong cơ thể, dễ thấy nhất là ở các ngón tay và bàn chân.
1.2 Tăng huyết áp
Có rất nhiều lý do khiến bạn bị tăng huyết áp và một trong số đó chính là do ăn mặn. Sự thay đổi huyết áp xảy ra thông qua thận, khi ăn quá nhiều sẽ khiến thận khó đào thải chất lỏng dư thừa, điều này sẽ khiến huyết áp cơ thể tăng lên.
Ngoài ra, một bữa ăn nhiều muối cũng có thể khiến một lượng lớn máu lưu thông vào mạch máu và động mạch, điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời.
1.3 Khát nước dữ dội
Thông thường khi bạn ăn mặn, bạn sẽ thấy khát nước hơn bình thường bởi vì natri có nhiệm vụ cân bằng chất lỏng bên trong tế bào, dư thừa natri sẽ làm mất cân bằng hệ thống, nước sẽ được rút ra khỏi tế bào, dẫn đến cơn khát.
Uống nước sẽ là cách để giúp cho toàn bộ hệ thống được cân bằng và làm “tươi mới” các tế bào trong cơ thể.
Xem thêm: Học cách uống nước đúng và đủ theo khoa học mỗi ngày
1.4 Đi tiểu thường xuyên
Một tác hại khác của việc ăn mặn là nó sẽ khiến bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn. Điều này có thể là do khi tiêu thụ muối sẽ khiến bạn hay khát và bạn sẽ phải uống nhiều nước hơn, sau đó bạn có thể phải đi vệ sinh nhiều hơn bình thường.
1.5 Ngủ không ngon giấc
Một trong những hậu quả của việc ăn mặn là nó sẽ làm bạn ngủ không ngon giấc, thậm chí là rối loạn giấc ngủ. Các dấu hiệu của cơ thể bao gồm từ giấc ngủ không sâu, thường xuyên thức giấc vào ban đêm, cảm giác mệt mỏi vào buổi sáng sau khi thức dậy.
1.6 Bị đầy hơi
Tình trạng đầy hơi, căng tức ở bụng thường xảy ra phổ biến hơn ở những người có thói quen ăn mặn. Do đó, nếu bạn ăn mặn và cảm thấy bị đầy hơi gây khó chịu, bạn có thể uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm giúp giảm đầy hơi để cải thiện tình trạng.
1.7 Ảnh hưởng đến vị giác
Thói quen ăn quá nhiều muối có thể khiến cho vị giác của bạn bị ảnh hưởng, cảm giác nếm thức ăn hay trải nghiệm thức ăn cũng không “chuẩn”. Do đó, bạn không nên quá phụ thuộc vào muối để không làm ảnh hưởng đến vị giác.
1.8 Gây khô môi
Ăn mặn gây mất nước trong cơ thể, đặc biệt là trên làn da và trên môi, dẫn đến tình trạng môi khô nứt nẻ do thiếu độ ẩm. Vì thế, hãy bổ sung nhiều nước và tránh thức ăn mặn để tránh tình trạng khô, nứt nẻ môi.
1.9 Dễ nổi mụn
Mụn thường xuất hiện do tình trạng viêm trên da, lượng natri trong cơ thể dư thừa cũng góp phần giúp gia tăng tình trạng viêm và gây ra mụn.
Xem thêm: 7 tips ‘chặn đứng’ tình trạng nổi mụn ‘tùm lum’ cho làn da dễ bị mụn
2. Ảnh hưởng lâu dài khi ăn mặn quá nhiều
Không chỉ gây ra những ảnh hưởng trong thời gian ngắn hạn, ăn mặn quá nhiều trong thời gian dài còn gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:
2.1 Bị bệnh cao huyết áp
Ăn mặn nhiều có thể khiến bạn mắc bệnh cao huyết áp, gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Theo theo thời gian, tình trạng huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, tim mạch vành, suy tim, trụy tim...
2.2 Yếu xương
Ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ bị yếu xương và dẫn đến loãng xương. Ăn nhiều muối, uống nhiều nước bạn sẽ đi tiểu nhiều. Tiểu tiện nhiều sẽ thải ra nhiều canxi qua nước tiểu. Cơ thể thiếu hụt canxi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến loãng xương.
2.3 Tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Một chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Mặc dù các nghiên cứu về tác hại này của việc ăn mặn chưa rõ ràng, nhưng chúng ta biết rằng, tiêu thụ quá nhiều muối theo thời gian sẽ làm ảnh hưởng đến lớp lót niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ bị loét dạ dày và tá tràng.
2.4 Gây sỏi thận
Thói quen ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Sỏi thận được hình thành khi canxi trong nước tiểu trở nên cô đặc và tạo thành tinh thể. Những tinh thể này ngày càng phát triển, khi đi qua đường tiết niệu có thể bị mắc kẹt lại và cuối cùng sẽ làm cản trước nước tiểu di chuyển.
2.5 Đau tức ngực thường xuyên
Ăn mặn làm tăng huyết áp, tình trạng tăng huyết áp sẽ gây áp lực lên thành động mạch, khiến cho các thành động mạch dẫn đến tim bắt đầu cung cấp máu kém hiệu quả, điều này có thể dẫn những cơn co thắt ngực.
Những cơn co thắt ngực có thể xuất hiện thường xuyên hơn khi bạn hoạt động thể chất, bởi đây là những thời điểm nhu cầu máu từ tim cao hơn nhiều. Tình trạng này nếu kéo dài có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn ở tim, chẳng hạn như suy tim.
Xem thêm: Những món ăn truyền thống chứa nhiều muối - Cần cẩn trọng khi ăn
3. Ăn mặn như thế nào tốt cho cơ thể?
Theo WHO khuyến cáo, đối với hầu hết người trưởng thành mỗi ngày nên dùng ít hơn 5g muối, tương đương với khoảng 1 muỗng cà phê muối.
Đối với lượng natri cần thiết của cơ thể, WHO khuyến nghị nên nạp ít hơn 2g mỗi ngày. Hiệp Hội tim mạch Mỹ còn đưa ra khuyến nghị nên tiêu thụ trong khoảng 1.5g natri/ngày, tối đa là khoảng 2.3g/ngày. Các chuyên gia cho biết, hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể là đặc biệt cần thiết đối với những người bị tăng huyết áp, người bị suy tim hoặc người già.
Bạn sẽ có thể nhận biết cơ thể có quá nhiều muối khi có các triệu chứng đầy hơi, hoặc giữ nước. Bộ não cũng sẽ phát tín hiệu rằng cơ thể bạn đang bị dư thừa muối bằng những cơn khát cực độ khiến bạn uống nước nhiều hơn.
4. Làm thế nào để cắt giảm lượng muối vào cơ thể?
Dường như rất nhiều người đều có nguy cơ tiêu thụ muối quá mức cho phép. Do đó, để kiểm soát lượng muối vào cơ thể, bạn có thể:
- Lựa chọn thịt tươi thay vì thịt đóng gói.
- Khi mua rau đông lạnh, hãy chọn những loại rau tươi đông lạnh và tránh những loại đã được thêm gia vị hoặc nước sốt.
- Đọc kỹ nhãn và kiểm tra hàm lượng natri trong thực phẩm bạn mua.
- Khi chọn gia vị, hãy chọn những loại không chứa thành phần natri trên nhãn dán.
- Nếu đi ăn ngoài, bạn có thể yêu cầu món ăn của bạn hạn chế việc nêm thêm muối.
5. Cần phải làm gì khi ăn quá nhiều muối?
Khi thấy cơ thể đã tiêu thụ quá nhiều muối trong bữa ăn, bạn có thể thử áp dụng một số cách sau đây để giúp cơ thể không bị dư thừa muối:
- Uống đủ lượng nước để giúp cơ thể cân bằng tỷ lệ nước – và natri.
- Ăn các loại thực phẩm giàu kali như trái cây, rau, các loại đậu, quả hạch, hạt và bơ sữa.
- Cố gắng giảm lượng muối tiêu thụ trong các bữa ăn khác.
Như vậy, ăn mặn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe, không chỉ ở ngay thời điểm hiện tại mà có những có hậu quả lâu dài. Vì thế, hãy cố gắng cân bằng dinh dưỡng và tiêu thụ muối ở mức độ vừa phải để cơ thể không bị ảnh hưởng, sức khỏe được nâng cao.