TPHCM cũng ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Đến nay, chiều hướng tăng của hai bệnh này chưa dừng lại.
Cả hai dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đều gia tăng, chưa có chiều hướng giảm, nhiều khả năng dịch chồng dịch nếu sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như năm 2022.
ThS. BS Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM trả lời VOH.
* VOH: Bà đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn TPHCM?
- ThS. BS Lê Hồng Nga: Sốt xuất huyết và tay chân miệng là hai loại bệnh truyền nhiễm lưu hành thường xuyên. Tính đến thời điểm này, bệnh tay chân miệng vẫn đang tăng khá nhanh. Ca bệnh sốt xuất huyết tăng chậm hơn nhưng cũng bắt đầu có khuynh hướng gia tăng.
Tính theo quy luật hàng năm, thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8 là thời điểm sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa và dự kiến sẽ có khả năng tăng nhanh trong vài tuần tới, đặc biệt nếu mưa nhiều. Đây là giai đoạn chín muồi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và kéo theo đó, số ca bệnh cũng sẽ tăng nhanh hơn trong vài tuần sắp tới.
* VOH: Qua giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bác sĩ nhận định như thế nào về các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết?
- ThS. BS Lê Hồng Nga: Điểm có nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết xuất hiện rải rác toàn địa bàn Thành phố, từ những quận nội thành đến những huyện ngoại thành, những địa điểm công cộng, công sở, công trường, nhà máy thậm chí ngay cả trong nhà dân.
Tập tính phổ biến của muỗi vằn gây sốt xuất huyết là nó ẻ trứng ở những nơi nước sạch và gần với nơi sinh hoạt của con người, nên bất cứ nơi nào có con người đều có thể xuất hiện ở những vị trí thuận lợi cho muỗi đẻ trứng.
UBND Thành phố đã nhắc nhở tất cả các quận, huyện, sở ban ngành tiếp tục thực hiện kế hoạch triệt nơi sinh sản của muỗi. Vận động mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan ban ngành chủ động rà soát nơi sinh sống, làm việc. Nếu phát hiện những vật dụng chứa nước có thể phát sinh lăng quăng thì cần dọn dẹp ngay.
Những thông tin được phản ánh sẽ truyền về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và sau đó sẽ chuyển ngay đến Ủy ban nhân dân các quận huyện để tiến hành xử lý và giám sát môi trường ở tại địa điểm đã được báo cáo. Quá trình này thường diễn ra từ 24 đến 48 giờ.
* VOH: Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đều chưa có vắc xin phòng bệnh. Làm sao để cộng đồng cùng lúc phòng bệnh hiệu quả hai bệnh này?
- ThS. BS Lê Hồng Nga: Mỗi gia đình cần nhận thức được rằng, đây là nhiệm vụ của chính bản thân mình để bảo vệ bản thân, con em và những người thân trong gia đình.
Để phòng bệnh tay chân miệng, quan trọng nhất vẫn là vệ sinh cá nhân. Thứ nhất là rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Thứ hai là vệ sinh vật dụng, đồ chơi và khu vực sinh hoạt của trẻ bằng xà phòng hoặc hóa chất tẩy rửa thông thường.
Đối với sốt xuất huyết, quan trọng nhất là phòng chống muỗi đốt và ngăn không cho muỗi sinh sản. Chúng ta vẫn phải giữ vệ sinh nhà cửa, không bỏ đồ lung tung, không để đọng nước xung quanh nhà. Giữ nếp sinh hoạt, nếp sống gọn gàng, sạch sẽ.
Điều quan trọng là cần phải theo dõi sát, nếu gia đình có người bị nóng, sốt thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị.
* VOH: Cảm ơn bác sĩ.