Chờ...

Số ca mắc tay chân miệng ở miền Nam tăng vọt

VOH - Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HDCD) ghi nhận tuần qua thành phố có thêm hơn 1.600 ca tay chân miệng, tăng gần 2,5 lần so với trung bình tháng trước.

Hai tuần nay, bệnh nhi tay chân miệng nặng nhập viện tăng nhanh liên tục khiến cho nhiều bệnh viện phải mở rộng thêm phòng bệnh, tăng cường bác sĩ điều trị, sẵn sàng ứng phó với tình hình bệnh đang diễn tiến căng thẳng.

Năm 2011, dịch tay chân miệng bùng phát, nhiều trẻ nhập viện vì buồn nôn, nôn ói, sau đó tăng huyết áp rồi phù phổi, tử vong.

Năm nay, đa số trẻ run sốt, giật mình, thở bất thường rồi đột ngột rơi vào ngưng thở. Điều này có thể do virus vẫn là chủng cũ nhưng thay đổi tính chất theo từng khoảng thời gian.

Diễn tiến tay chân miệng nặng vốn rất nhanh, lại thêm năm nay chủng EV71 chiếm ưu thế nên tình hình dịch rất căng thẳng, không thể lơ là.

Chủng virus này khiến người nhiễm bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.

Số ca mắc tay chân miệng ở miền Nam tăng vọt 1
Số ca nhập viện biến chứng nặng tiếp tục tăng. Ảnh: TL

Tình hình đột ngột diễn biến khiến cho ngành y tế cũng “trở tay không kịp”, ngoài việc điều động thêm chỗ lưu trú và tiếp nhận bệnh nhân thì số lượng thuốc để chữa bệnh thực sự khan hiếm. 

Tay chân miệng hiện nay đang bước vào giai đoạn nguy hiểm, khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát tình hình. Cha mẹ không nên vì quá lo lắng mà đổ xô lên TPHCM gây quá tải.

 

Các bệnh viện tỉnh hiện điều trị tốt bệnh lý này với thuốc men và nhân lực có chuyên môn. Nếu không được chăm sóc ban đầu, trẻ có thể chuyển nặng và nguy kịch trên đường chuyển viện lên TPHCM.

bệnh tay chân miệng
Các bác sĩ đang điều trị cho ca nặng của bệnh tay chân miệng. Ảnh: TL
chân tay miệng
Bệnh tay chân miệng nỗi lo của ngành y tế và các bậc cha mẹ. Ảnh: TL

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không chủ quan, theo dõi sát trẻ để phát hiện bệnh sớm. Một số người lầm tưởng về triệu chứng bệnh, thấy trẻ sốt, chảy nước miếng nghĩ là mọc răng, không biết nguyên nhân là do trẻ loét miệng không nuốt nước miếng. Có người thấy trẻ nổi ban nghĩ là dị ứng da.

 

Ngành y tế đưa ra khuyến cáo phụ huynh theo dõi sát các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời, gồm: Sốt cao khó hạ, sốt trên 39 độ, sốt hơn hai ngày; Giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, yếu chi; Nôn ói nhiều; Lừ đừ, lơ mơ; Thở nhanh, thở bất thường; Tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông tím.