Tại sao 90% phụ huynh chưa muốn cho con tiêm vắc xin COVID-19?

(VOH) – Một khảo sát của HCDC cho thấy 90% phụ huynh vẫn lo lắng về ảnh hưởng của vắc xin phòng COVID-19 nên chưa cho con tiêm chủng.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) vừa công bố kết quả một khảo sát ý kiến các bà mẹ về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ. Kết quả có 321/357 bà mẹ chưa đồng ý cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19, tỷ lệ tương đương 89,9%.

Lý do 90% phụ huynh chưa đồng ý cho con tiêm vắc xin là tuổi của trẻ còn quá nhỏ, lo ngại tác dụng phụ của vắc xin, trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó. Các bà mẹ có cùng thắc mắc tác dụng phụ của vắc xin như thế nào, vắc xin có ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ không.

Tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn rất thấp 1
Ảnh minh họa

Khảo sát của HCDC giúp ngành y tế chủ động cập nhật và chọn lọc những thông tin khoa học có giá trị để giúp các bậc phụ huynh nhận thức đúng về những lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.

Tính từ 1/1/2022 đến 22/10/2022 số trẻ dưới 5 tuổi bị mắc COVID-19 tại TP.HCM là 13.517 trẻ chiếm 4,27% tổng số trường hợp (316.683 trường hợp bệnh), cao hơn mức trung bình của thế giới. Việc phòng ngừa nhiễm COVID-19 cho trẻ em là rất cần thiết, đặc biệt là tiêm vắc xin giúp ngăn ngừa sự xuất hiện biến chứng nặng có tên là “Hội chứng MIS-C” (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children).

Hội chứng MIS-C là tình trạng viêm nhiều cơ quan khác nhau bao gồm: tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ có tiền sử mắc COVID-19 trước đó. Trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiệu như sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy. Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim. Riêng biến chứng viêm mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như dãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

Hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 riêng đối với trẻ nhỏ, đã có những công trình nghiên cứu đánh giá có kết quả như sau:

Đối với vắc xin Pfizer, các nghiên cứu đã công bố dữ liệu mới cho thấy Pfizer giảm nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ em từ 6 tháng - 5 tuổi. 3 mũi vắc xin Pfizer đạt hiệu quả 73,2% bảo vệ trẻ đối với thể nhẹ, có triệu chứng do biến thể Omicron và các chủng phụ của nó. Hiệu quả của vắc xin thậm chí còn cao hơn khi bảo vệ khỏi bệnh nặng (nghiên cứu chưa đủ lớn để tính toán tỷ lệ % chính xác).

Đối với vắc xin Moderna, một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2-3 do Moderna thực hiện trong thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022 cho thấy hiệu quả của vắc-xin chống lại COVID-19 sau liều 2 là 50,6%, ở trẻ từ 6-23 tháng chưa mắc COVID-19 và 36,8% ở trẻ từ 2 - 5 tuổi. Đối với trẻ đã mắc COVID-19 là 52,1%, ở trẻ từ 6 - 23 tháng và 34,5%, ở trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Đặc biệt, chưa ghi nhận trường hợp trẻ mắc COVID-19 nghiêm trọng trong thử nghiệm này.

Cả 2 loại vắc xin Moderna và vắc xin Pfizer-BioNTech đều đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho sử dụng ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Một số nước đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bao gồm Canada, Israel và Mỹ (tháng 6), với hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Moderna hoặc Pfizer.

Bộ Y tế Việt Nam hiện đang theo dõi các chương trình nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả của vắc xin đối với trẻ nhỏ, tham khảo ý kiến các chuyên gia, đồng thời tham khảo nhu cầu nguyện vọng phụ huynh để có hướng dẫn phù hợp về tiêm phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này cũng như khả năng đưa vắc xin COVID-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.