Lưu ý về nhiễm khuẩn khớp sau thay khớp háng nhân tạo

(VOH) - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đưa thông tin lưu ý về biến chứng nhiễm khuẩn khớp sau thay khớp háng nhân tạo, đây là biến chứng nặng nề nhất đối với người bệnh.

Cụ thể, tại đây đã điều trị thành công trường hợp bệnh biến chứng khớp háng nghiêm trọng sau nhiều lần phẫu thuật thất bại. Người bệnh sinh năm 1960, ngụ TPHCM, nhập viện trong tình trạng đau nhức khớp khiến bà không đi lại được. Trước đây, bà đã được thay khớp háng bên trái tại một bệnh viện địa phương vào năm 31 tuổi sau một lần té ngã làm gãy cổ xương đùi. Tuy nhiên, suốt những năm qua, khớp háng nhân tạo của bà bị nhiễm khuẩn, phải liên tục mổ cắt lọc, điều trị nhiễm trùng và thay lại khớp mới hơn 6 lần nhưng vẫn không thành công.

Lưu ý về nhiễm khuẩn khớp sau thay khớp háng nhân tạo

Phẫu thuật thay khớp háng mới cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Lãm - Trưởng Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, trường hợp này rất phức tạp vì số lần phẫu thuật điều trị quá nhiều. Bước đầu, các bác sĩ quyết định điều trị nhiễm trùng bằng cách tháo bỏ khớp háng nhân tạo, cắt lọc tổ chức hoại tử. 6 tháng sau, các bác sĩ tiến hành phục hồi chức năng khớp của người bệnh bằng phương pháp thay toàn bộ khớp háng chuôi dài không xi măng, kết hợp xương đùi bằng nẹp vô khuẩn.Sau 3 tháng, người bệnh đi lại được với một nạng, không đau, vết thương phục hồi tốt.

Bác sĩ Lãm chia sẻ thêm, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, phẫu thuật nào cũng có nguy cơ rủi ro vì thay khớp háng nhân tạo là một phẫu thuật phức tạp.Vì vậy, khi có biến chứng sau thay khớp nhân tạo cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ bảo tồn được khớp.