Lý giải nguyên nhân ngủ chảy nước miếng và cách ngăn ngừa

(VOH) – Ngủ chảy nước miếng có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau. Hiện tượng này không chỉ khiến bạn phải giặt gối khi thức dậy mà đôi khi nó còn là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều ít nhất một lần xuất hiện tình trạng chảy nước miếng (nước dãi) trong khi ngủ. Đó là khi lượng nước bọt dư thừa chảy khỏi miệng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này lặp lại thường xuyên và lượng nước bọt tiết ra nhiều thì bạn cần lưu ý vì có thể là dấu hiệu của bệnh lý.

1. Vì sao bị chảy nước miếng khi ngủ?

Khi ngủ cơ mặt của chúng ta, bao gồm cơ hàm đều sẽ ở trạng thái nghỉ ngơi. Nếu lúc này lượng nước bọt tiết ra quá nhiều trong miệng, nó có thể bắt đầu sẽ chảy ra khỏi miệng do cơ hàm thả lỏng dẫn việc miệng chúng ta hơi hé mở.

Hiện tượng chảy nước miếng khi ngủ là một hiện tượng bình thường nhưng nếu xảy ra thường xuyên và quá mức thì có thể là dấu hiệu của sức khỏe đang gặp vấn đề. Trong từng nhóm đối tượng cụ thể, chảy nước dãi khi ngủ cũng cảnh báo nhiều vấn đề khác nhau.

1.1 Nguyên nhân chảy nước miếng khi ngủ ở người trưởng thành

Người trưởng thành ngủ chảy nước miếng thường xuyên có thể là một triệu chứng báo động của các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như: viêm niêm mạc khoang miệng hay chứng liệt dây thần kinh.... Những chứng bệnh này thường sẽ khiến khoang miệng tiết ra nước dãi nhiều hơn.

Đặc biệt, nếu bạn gặp tình trạng chảy nước miếng cố định một bên thì bạn nên cảnh giác với chứng tai biến mạch máu não.

Ngoài ra, tình trạng bị chảy nước miếng khi ngủ cũng có thể liên quan đến việc nằm ngủ ở tư thế không phù hợp. Thói quen nằm nghiêng, nằm sấp khi ngủ sẽ khiến khóe miệng bị “chèn ép” và có thể bị hở. Lúc này, nếu có những kích từ bên ngoài (chẳng hạn như không khí lạnh) thì nước dãi sẽ tiết ra nhanh và nhiều hơn, dẫn đến chảy ra ngoài miệng.

ly-giai-nguyen-nhan-ngu-chay-nuoc-mieng-va-cach-ngan-ngua-voh

Người trưởng thành ngủ chảy nước miếng thường có liên quan đến các bệnh về hệ thần kinh (Nguồn: Internet)

1.2 Nguyên nhân chảy nước miếng khi ngủ ở bà bầu

Bà bầu khi ngủ bị chảy nước miếng thường có liên quan đến yếu tố di truyền, chẳng hạn như phụ nữ vốn có răng trước không đều bẩm sinh thì sau khi mang thai sẽ càng dễ xảy ra hiện tượng này hơn.

Đôi khi, nguyên nhân cũng xuất phát từ việc bị trào ngược dịch vị dạ dày. Phụ nữ mang thai, hormone trong cơ thể có nhiều thay đổi dẫn đến dịch vị bị trào ngược, kích thích niêm mạc cổ họng, khoang miệng gây ra chảy nước miếng khi ngủ.

1.3 Nguyên nhân chảy nước miếng khi ngủ ở người già

Người lớn tuổi bị chảy nước miếng khi ngủ thì nên xem xét đến các bệnh như đột quỵ, bệnh Parkinson... Tốt nhất là nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra chính xác.

Đôi khi, người già gặp phải tình trạng này là do tuổi tác cao khiến cho các cơ quan trong cơ thể bị thoái hóa dần, bao gồm cả chức năng tỳ vị, thận và kết quả là dẫn đến hiện tượng ngủ chảy nước miếng.

1.4 Nguyên nhân chảy nước miếng khi ngủ ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ là đối tượng thường bị chảy nước miếng khi ngủ nhiều nhất. Đặc biệt là bé đang ở trong giai đoạn mọc răng.

2. Cách ngăn ngừa hiện tượng ngủ chảy nước miếng

Nếu ngủ chảy nước miếng là hiện tượng tự nhiên, không phải do bệnh lý thì bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để ngăn ngừa hiện tượng này.

2.1 Làm sạch xoang mũi

Một trong những lý do chính khiến bạn ngủ bị chảy nước miếng là đường mũi không được thông thoáng, khiến bạn phải thở qua miệng. Vì thế, làm sạch và làm thông xoang mũi sẽ có thể giúp bạn tránh bị ướt gối mỗi đêm.

Bạn có thể sử dụng các sản phẩm làm sạch xoang mũi hoặc sử dụng các loại tinh dầu, đặc biệt là các loại có chứa bạch đàn,...Ngoài ra, tắm nước vòi sen nóng cũng có thể giúp làm sạch mũi và thở dễ dàng hơn vào ban đêm.

2.2 Thay đổi tư thế ngủ

ly-giai-nguyen-nhan-ngu-chay-nuoc-mieng-va-cach-ngan-ngua-1-voh

Nằm ngửa khi ngủ sẽ giúp bạn giữ nước bọt trong miệng và không chảy ra ngoài (Nguồn: Internet)

Nằm ngửa khi ngủ là cách giúp bạn giữ nước bọt trong miệng và không chảy ra ngoài. Ngược lại, nếu bạn nằm nghiêng hoặc nằm sấp, nước bọt tích tụ sẽ chảy ra khỏi miệng và dễ khiến bạn bị chảy nước miếng hơn.

2.3 Giữ đầu cao khi ngủ

Giữ đầu của bạn trên một cái gối cao hơn trong khi ngủ có thể làm giảm hiện tượng chảy nước miếng khi ngủ.  

2.4 Sử dụng các thiết bị đặc biệt

Nếu bạn thường bị chảy nước miếng khi ngủ thì có thể gặp bác để bác sĩ tư vấn giúp bạn sử dụng thiết bị thích hợp đặt ở xương hàm dưới để giúp làm giảm hiện tượng ngủ chảy nước miếng. Đây có thể là các thiết bị nha khoa khác nhau, giúp miệng đóng tốt hơn hoặc hạn chế nước dãi chảy ra và bạn cũng sẽ ngủ ngon hơn.

2.5 Kiểm tra lại thuốc đang sử dụng

Một số loại thuốc có thể khiến cơ thể bạn sản xuất ra nhiều nước bọt, nhất là các loại thuốc kháng sinh. Vì thế, nếu bạn có đang sử dụng thuốc thì nên kiểm tra lại xem nó có khiến cơ thể bạn sản xuất ra nhiều nước bọt không nhé!

Trong những trường hợp ngủ chảy nước dãi do bệnh lý thì bạn nên đi thăm khám để có phương pháp điều trị cụ thể. Một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ tuyến nước bọt và phẫu thuật thường được áp dụng đối với các bệnh liên quan đến thần kinh nghiêm trọng.

Lưu ý: Ngủ chảy nước miếng và ngáy ngủ là những biểu hiện điển hình của chứng ngưng thở khi ngủ. Vì thế, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị bệnh sớm.