Chờ...

Mắt lé: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

(VOH) – Trong dân gian, mắt lé được coi là một tật ‘trời sinh’ không thể thay đổi được. Thế nhưng, trên thực tế đây là một căn bệnh có nguyên nhân, triệu chứng và cả cách điều trị.

Mắt lé (mắt lác) là gì?

Mắt lé hay còn gọi là mắt lác, là một căn bệnh xuất hiện ở mắt. Đây là tình trạng hai mắt không thẳng hàng ở tư thế nguyên phát (nhìn thẳng về phía trước) một mắt bị lệch so với mắt còn lại.

Lé mắt xảy ra do sự mất cân bằng giữa các cơ ngoại nhãn của mắt, làm cản trở sự phát triển thị giác hai mắt và có thể ảnh hưởng đến thị giác. Đồng thời nó cũng khiến cho việc cảm nhận về chiều sâu, khả năng định vị một vật nào đó trong không gian 3 chiều không chính xác, thậm chí có thể mất thị giác hai mắt.

Tùy theo cơ bị ảnh hưởng mà tình trạng mắt lé được chia thành các dạng:

  • Lé hướng ra ngoài gọi là lé ngoài.
  • Lé hướng vào trong gọi là lé trong.
  • Lé lệch hướng lên trên gọi là lé đứng trên.
  • Lé lệch xuống dưới gọi là lé đứng dưới.

Nguyên nhân gây ra tình trạng mắt lé

Các bác sĩ cho biết, bệnh mắt lé có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Song phần lớn có thể là do yếu tố di truyền gây ra.

mat-le-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh

Bệnh mắt lé phần lớn do yếu tố di truyền gây ra (Nguồn: Internet)

Bệnh mắt lé thường được chia ra làm 3 loại:

  • Lé bẩm sinh: Là khi trẻ sinh ra đã thấy lé hay lé xuất hiện trong giai đoạn từ 6 tháng tuổi. Lé thứ phát thường xảy ra ở người lớn do bệnh lý toàn thân (Basedow, u...), tại mắt (đục thủy tinh thể, bất đồng khúc xạ, bệnh lý đáy mắt...), chấn thương vùng đầu mặt hay phẫu thuật các bệnh lý ở mắt (Glaucoma,...)
  • Lé hậu đắc: Xuất hiện sớm, trẻ trong độ tuổi từ 1 – 2 tuổi.
  • Lé muộn: Xuất hiện ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên, thường là trẻ em trong độ tuổi đến trường. Nguyên nhân là do yếu tố điều tiết quy tụ hoặc do tật khúc xạ viễn thị hay cận thị.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị mắt lé

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lé mắt, bao gồm:

  • Tiền sử bệnh gia đình: Trong gia đình có người bị mắt lé thì khả năng cao con sinh ra cũng sẽ bị mắt lé.
  • Tật khúc xạ: Nếu mắc chứng viễn thị mà không được chữa trị, bạn sẽ có nguy cơ bị mắt lé.
  • Tình trạng bệnh: Những người bị hội chứng Down, bại não hoặc đã từng trải qua cơn đột quỵ, chấn thương đầu, tiểu đường, hội chứng Guillain – Barre... thì sẽ có nguy cơ cao bị bệnh mắt lé.

Triệu chứng của bệnh mắt lé

Giống như nhiều bệnh lý khác, người bị bệnh mắt lé cũng có xuất hiện các triệu chứng nhận biết khác nhau.

Triệu chứng thực thể

Lé rất dễ nhận biết khi bạn tự soi gương hay người xung quanh phát hiện thấy mắt lệch. Tuy nhiên, có một số trường hợp lé ẩn thì cần phải khám chuyên khoa mới có thể phát hiện được.

Triệu chứng chủ quan

Người bị bệnh mắt lé thường sẽ gặp phải các triệu chứng như:

  • Mỏi mắt thường xuyên, khả năng tập trung kém.
  • Hậu đậu, đi lại hay vấp té, làm việc không có độ chính xác bằng người bình thường.
  • Bên mắt lé có thể nhìn mờ hơn bên mắt không lé.
  • Song thị (hai hình ảnh xuất hiện cùng lúc) nếu lé xảy ra đột ngột ở người có chức năng thị giác đã hoàn thiện thì cần đi khám chuyên khoa để loại trừ những bệnh lý cấp tính hệ thần kinh TW.

Ảnh hưởng của bệnh mắt lé như thế nào?

Nếu bệnh mắt lé xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác sẽ có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Chẳng hạn như: mất thị lực ở bên mắt bị lé (hay còn gọi là nhược thị), mất khả năng nhận thức chiều sâu (thị giác 2 mắt), khả năng canh khoảng cách kém giữa 2 vật, dễ bước hụt chân cầu thang....

Giảm khả năng quan sát ở một mắt về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Bởi một số nghề nghiệp sau này đòi hỏi thị giác hai mắt phải tốt (lắp ráp máy móc, dùng kính hiển vi, vận động viên thể thao…).  

mat-le-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-1-voh

Khi thấy trẻ bị mắt lé cha mẹ nên đưa bé đi khám để được điều trị sớm (Nguồn: Internet)

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ở cơ sở có chuyên khoa mắt ngay khi phát hiện trẻ bị mắt lé.

Bệnh mắt lé có chữa được không?

Thông thường, nếu muốn điều trị bệnh mắt lé bệnh nhân cần phải được xác định tình trạng này là do bẩm sinh hay do nguyên nhân nào khác gây ra.

Mục tiêu điều trị mắt lé ở trẻ trên 6 tuổi và trẻ đi học là giúp bảo toàn chức năng hợp thị hai mắt và ngăn ngừa mù mắt lé. Với người trưởng thành, điều trị mắt lé chỉ có mục đích giúp cải thiện thẩm mỹ.

Tùy vào tình trạng mỗi bệnh nhân mà các phương pháp điều trị sẽ khác nhau như:

  •  Tập quy tụ, tập liếc sang hướng ngược chiều lé.
  •  Đeo kính khi lé do quy tụ điều tiết hay kèm theo tật khúc xạ.
  •  Che mắt khi mắt lé bị nhược thị.
  • Làm mờ một mắt.
  •  Phẫu thuật mổ lé giúp điều chỉnh các cơ vận nhãn nhằm đưa 2 mắt về thẳng trục.
  •  Tiêm thuốc (Botulium toxin).
  • Ở người lớn lé gây song thị độ nhỏ có thể mang lăng kính.

Nhìn chung, bệnh mắt lé ở mỗi người sẽ không giống nhau, vì thế nếu muốn điều trị căn bệnh này người bệnh cần đến bệnh viện gặp bác sĩ để được thăm khám, từ đó mới có thể đưa ra hướng điều trị cụ thể.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang matsaigon.com
  2. Trang vi.wikipedia.org – Bách khoa toàn thư mở
Lẹo mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhanh : Lẹo mắt là một dạng nhiễm trùng cấp tính xảy ra ở tuyến nhờn của mi mắt. Bệnh có thể gây đau nhức bờ mi, phù nề, làm người bệnh vô cùng khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.
Cận thị - Phương pháp điều trị hiệu quả nhất : Cận thị ngày nay đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là cận thị học đường, xuất hiện ở các thành phố lớn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vùng nông thôn.