Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cận thị - Phương pháp điều trị hiệu quả nhất

Cận thị ngày nay đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là cận thị học đường, xuất hiện ở các thành phố lớn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vùng nông thôn.

1. Cận thị là gì?

Cận thị là tình trạng không thể nhìn thấy các vật ở xa nhưng các đối tượng gần có thể nhìn rõ. Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt, đây là một tật khúc xạ thường gặp nhất, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên.

can-thi-phuong-phap-dieu-tri-hieu-qua-nhat-voh-1

Cận thị dễ xuất hiện ở lứa tuổi học sinh (Nguồn: Internet)

2. Triệu chứng cận thị

2.1 Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của cận thị là:

  • Nhìn xa bị mờ.
  • Phải nheo mắt nhiều lần để nhìn thấy rõ vật.
  • Nhức đầu do mỏi mắt.
  • Khó nhìn khi lái xe, đặc biệt là vào ban đêm.

2.2 Cận thị ở trẻ em thường có các dấu hiệu như:

  • Nheo mắt thường xuyên.
  • Ngồi gần xem tivi.
  • Không nhìn thấy các đối tượng ở xa.
  • Chớp mắt quá mức.
  • Dụi mắt thường xuyên.
  • Kết quả học tập giảm sút, chép bài sai hoặc viết sai chữ.
  • Trẻ không thích các hoạt động liên quan tới thị giác gần như vẽ hình, tô màu hay tập đọc hoặc các hoạt động liên quan tới thị giác xa như chơi ném bóng rổ.

3. Nguyên nhân bị cận thị

Hiện nay, chưa có một tài liệu nào khẳng định đâu là nguyên nhân chính xác gây ra cận thị. Tuy nhiên, người ta có thể thấy 2 nguyên nhân thường gây ra cận thị là nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân môi trường nhìn. Nếu môi trường nhìn gần thường xuyên thì sẽ dẫn đến nguy cơ cận thị cao.

Dưới đây là các yếu tố nguy cơ bị cận thị:

  • Tình trạng cận thị có xu hướng di truyền trong gia đình, bạn sẽ có nguy cơ bị cận thị cao nếu bố hoặc mẹ của mình bị cận thị hoặc cả 2 đều bị cận thị.
  • Đọc sách hoặc tư thế ngồi học không đúng, bàn ghế không phù hợp cũng là nguyên nhân dễ gây cận thị.
  • Xem tivi quá gần cũng dễ bị cận thị.
  • Thiếu ngủ cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị cận thị cao.
  • Sử dụng máy vi tính, điện thoại liên tục nhiều giờ làm mắt phải luôn điều tiết cũng dễ bị cận thị, đặc biệt là sử dụng các thiết bị điện tử nơi thiếu ánh sáng.
  • Ăn uống thiếu chất như vitamin A, crom, kẽm,…cũng dễ bị cận thị.

4. Cận thị có nguy hiểm không?

Cận thị thường bắt đầu khi còn nhỏ và con cái sẽ có nguy cơ bị cận thị cao hơn nếu cha mẹ đều bị cận thị. Trong hầu hết trường hợp, người bệnh sẽ ít bị tăng độ hơn khi trưởng thành, nhưng đôi khi vẫn có trường hợp tiếp tục tiến triển theo tuổi.

Theo các chuyên gia, tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng đều gây giảm thị lực, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và kết quả học tập của lớp trẻ. Trường hợp cận thị nặng (cận thị tiến triển) có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm ở võng mạc và thủy tinh thể, dẫn đến mất thị lực, thậm chí mù lòa.

5. Cận thị có chữa được không?

Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, ngày nay tật cận thị có thể điều trị được bằng 2 cách phổ biến là đeo kính hoặc phẫu thuật mắt. Tuy nhiên, việc phẫu thuật mắt chữa cận thị cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì không phải trường hợp cận thị nào cũng được phẫu thuật.

Đeo kính để khắc phục triệu chứng của cận thị là lựa chọn của nhiều bệnh nhân vì đây là phương pháp điều trị đơn giản nhất, không phân biệt độ tuổi, giới tính và điều chỉnh độ sai lệch tương đối chính xác.

Nếu không muốn phụ thuộc vào mắt kính thì người bệnh có thể xem xét phẫu thuật khúc xạ. Phương pháp này sẽ giúp làm giảm hoặc thậm chí loại bỏ sự phụ thuộc của bạn vào kính hoặc kính áp tròng. Các thủ thuật phổ biến nhất là Lasek (sử dụng tia laser để loại bỏ một lớp mô giác mạc) và LASIK (sử dụng laser hoặc dụng cụ cơ khí để cắt một vạt mỏng qua đỉnh của giác mạc).

Hầu hết các bệnh nhân đều hài lòng sau một phẫu thuật. Tuy nhiên, trong phẫu thuật khúc xạ có sự thay đổi đặc tính cơ sinh học của giác mạc, sự lành vết thương của giác mạc… là điều cần cân nhắc khi thực hiện các phẫu thuật này.

6. Chế độ sinh hoạt và ăn uống giúp ngăn chặn sự tiến triển của cận thị

Về chế độ dinh dưỡng, người bị cận thị cần ăn uống với chế độ đầy đủ dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh (rau có màu lục đậm, củ màu đỏ cam,…), trái cây tươi, các loại cá,…Chỉ tránh ăn các thực phẩm đã từng gây dị ứng cho bản thân.

Ngoài ra, việc ăn quá nhiều đường cũng là yếu tố làm mắt bị cận thị. Vì khi cơ thể hấp thu nhiều đường sẽ khiến cho hàm lượng vitamin B1 giảm, lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới lượng vitamin cung cấp cho thần kinh thị giác, dẫn tới bệnh cận thị nặng thêm. Do đó, khi bị cận thị bạn nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều đường.

can-thi-phuong-phap-dieu-tri-hieu-qua-nhat-voh-2

Khám mắt định kỳ để kiểm tra độ cận nhằm điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp (Nguồn: Internet)

Về chế độ sinh hoạt cần:

  • Đi khám mắt định kỳ thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Đeo kính đúng độ, tái khám đúng lịch để theo dõi mức độ bệnh.
  • Có chế độ học tập và làm việc khoa học. Đặc biệt khi phải nhìn gần, đọc sách, báo, sử dụng máy vi tính nhiều thì phải dành thời gian để mắt được nghỉ ngơi. Bạn có thể thực hiện bằng cách: Cứ mỗi 15 – 20 phút làm việc thì nhắm mắt một chút để cho mắt được nghỉ ngơi, khi mở mắt ra nên nhìn rõ vào một vật ở xa cách 4 – 5m để cho mắt thư giãn.
  • Học tập và làm việc trong môi trường có đầy đủ ánh sáng, để mắt đúng tầm nhìn.
  • Có thể nhỏ thuốc giúp mắt thư giãn, chống mỏi mắt nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Như vậy, cận thị là một tật khúc xạ phổ biến có thể khắc phục bằng việc đeo kính hoặc phẫu thuật. Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng, dựa theo mức độ cận, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp để tránh các nguy cơ rủi ro nếu có.

Bình luận